Tạo bước đột phá mới

(ANTĐ) -Đó là mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch số 30 của UBND thành phố Hà Nội về “Triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010”.

Giảm ùn tắc, tai nạn giao thông tại Hà Nội giai đoạn 2009-2010:

Tạo bước đột phá mới

(ANTĐ) -Đó là mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch số 30 của UBND thành phố Hà Nội về “Triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010”.

“Khó” đủ đường!

Kế hoạch số 30 vừa được Phó Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Văn Khôi quán triệt tới các cấp, các ngành tại buổi triển khai chương trình công tác năm 2009 của BCĐ 197 thành phố. Trước sự phức tạp giao thông nội đô Hà Nội, từ tháng 8-2007, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành, lực lượng triển khai 7 nhóm giải pháp nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

Đầu tư phát triển hạ tầng; tổ chức giao thông; tuyên truyền; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về TTATGT… các nhóm giải pháp này đã và đang được triển khai, và đạt được kết quả nhất định. Song, theo đánh giá của BCĐ 197 thành phố, toàn địa bàn Hà Nội vẫn đang hình thành tới 78 điểm, nút thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm.

Giải quyết hiện tượng ùn tắc thế này là mục tiêu của Kế hoạch số 30 (ảnh Phú Khánh)
Giải quyết hiện tượng ùn tắc thế này là mục tiêu của Kế hoạch số 30  (ảnh Phú Khánh)

Hà Nội mở rộng địa giới hành chính từ 1-8-2008, nhưng không vì vậy mà áp lực đối với giao thông nội đô giảm. Toàn thành phố hiện có hơn 3.900km đường, trong đó 643km là đường nội thành. Đúng theo tiêu chuẩn, đường nội thành phải chiếm 15-20% diện tích đất đô thị, còn thực tế Hà Nội mới đạt khoảng 6,8%. Thiếu “nặng” nhất trong đó là TP Sơn Tây, đường nội thành mới chỉ đạt 4,9% diện tích đất đô thị.

Giao thông tĩnh là một vấn đề khiến nhà quản lý đau đầu mà vẫn chưa hết lúng túng; bởi, diện tích đất cho bãi đỗ xe ở nội thành mới chỉ đạt 1,2% diện tích đất đô thị, ít hơn nhiều so với quy chuẩn từ 5-6%.

Phân tích yếu tố dẫn đến sự phức tạp của giao thông nội đô Hà Nội, thường trực BCĐ 197 thành phố nhận định: “Cơ cấu quá nhiều loại phương tiện tham gia giao thông đã tạo ra dòng giao thông hỗn hợp khiến công tác tổ chức, điều hành giao thông khó khăn. Hiểu biết Luật Giao thông của người tham gia giao thông còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động đã có nhiều cố gắng song còn chưa thường xuyên, chưa sâu rộng.

6 kiến nghị của Hà Nội

Bám sát 7 nhóm giải pháp đề ra từ tháng 8-2007 là một trong những chủ trương quan trọng của Kế hoạch số 30. Theo BCĐ 197 thành phố, Kế hoạch 30 sẽ quán triệt nghiêm túc giải pháp mà Nghị quyết 16 của Chính phủ đưa ra, đó là tổ chức di chuyển từng bước các cơ quan, cơ sở sản xuất, một số bệnh viện ra ngoài khu vực trung tâm thành phố.

Quỹ đất ở các địa điểm này sẽ chủ yếu phục vụ cho mục đích công cộng như vườn hoa, giao thông tĩnh. Kế hoạch 30 cũng đặt ra chiến lược về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận dụng xây dựng nếp sống “Văn hóa giao thông” và “Văn minh đô thị”, tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật về TTATGT và TTĐT.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xử lý các hành vi là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông như xe vòng vo đón trả khách, dừng đỗ không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng đường, hè phố, không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông.

Để công tác triển khai Nghị quyết 16 của Chính phủ trên địa bàn Thủ đô thực sự hiệu quả, Hà Nội đã đề xuất và kiến nghị 6 vấn đề với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Cụ thể: Kiến nghị Chính phủ đưa việc đầu tư giao thông vận tải vào chương trình, mục tiêu quốc gia, tập trung nguồn vốn cho Hà Nội đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và vận tải công cộng bằng nguồn vốn Trung ương.

Kiến nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thành quy hoạch Thủ đô để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho thành phố thực hiện. Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tăng mức xử phạt trong một số trường hợp vi phạm thường xuyên gây ra ùn tắc, TNGT; đồng thời chỉ đạo các Vụ, Cục, BQL dự án, các tổng công ty đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã có kế hoạch đầu tư trên địa bàn Hà Nội.

Một kiến nghị quan trọng khác với Bộ Công an, là chỉ đạo lực lượng cảnh sát tăng cường phối hợp với các lực lượng công an, Thanh tra GTVT của thành phố, các tỉnh lân cận trong kiểm tra, xử lý vi phạm và tổ chức giao thông…                              

Minh Hà