Tăng viện phí, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng?

ANTĐ - Dự kiến từ 15-11 tới đây, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng. Bên cạnh những lo lắng từ phía người bệnh thì vấn đề được quan tâm khác là liệu chất lượng dịch vụ y tế có tăng? Tại buổi tọa đàm về điều chỉnh viện phí diễn ra cuối tuần qua, đại diện Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
Tăng viện phí, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng? ảnh 1

Có nâng cao chất lượng thì các cơ sở y tế mới thu hút được đông bệnh nhân

Tránh viện phí tăng cao đột ngột

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều thông tin trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định viện phí tới đây sẽ tăng vọt 2-7 lần, tuy nhiên đó là thông tin không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, viện phí nếu tính đầy đủ tiền lương vào cũng chỉ tăng 3-7%, chỉ có một số ít dịch vụ, phẫu thuật phức tạp, kéo dài thì mức tăng sẽ cao. Trong đó, ở lần điều chỉnh viện phí lần này, liên Bộ Y tế, Tài chính và BHXH đã tính toán rất thận trọng, chia làm 2 giai đoạn thực hiện để tránh việc viện phí tăng cao đột ngột.

Trong đó, trước mắt từ nay đến cuối năm 2015 giá của 1.800 dịch vụ y tế chỉ được tính cộng thêm phụ cấp đặc thù và tiền lương của cán bộ y tế, đến cuối quý I-2016 mới tính tiền lương của cán bộ y tế.

Theo ông Liên, khi tính thêm phụ cấp đặc thù thì mức tăng viện phí không nhiều, về cơ bản tiền khám bệnh không tăng. Đối với tiền giường bệnh/ngày tính phụ cấp trực 24/24h của nhân viên y tế vào thì với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt tăng khoảng 19.000 đồng giường/ngày điều trị, đối với bệnh viện hạng II tăng khoảng 15.000 đồng và đối với bệnh viện hạng III tăng khoảng 11.000 đồng. Đối với các phẫu thuật thủ thuật đặc biệt, có nhiều bác sĩ tham gia như phẫu thuật tim, ghép tạng, thay khớp gối, khớp háng… thì mức tăng trên 1 triệu đến 1,4 triệu đồng là cao nhất. Còn các thủ thuật khác, có dịch vụ chỉ tăng vài nghìn đồng, có những dịch vụ không phải phẫu thuật, thủ thuật thì từ nay đến cuối năm chưa tăng.

Cần sự thay đổi từ con người

Khi được đặt vấn đề viện phí tăng liệu chất lượng dịch vụ y tế có tăng, ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, tăng viện phí không phải luôn luôn đi kèm với tăng chất lượng khám chữa bệnh vì chất lượng dịch vụ y tế chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Chuyên gia này phân tích, để tăng chất lượng khám chữa bệnh thì cần có sự thay đổi từ con người, chất lượng nhân sự đến điều chỉnh về cấu trúc các loại hình cơ sở y tế, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm… “Chúng ta đang trong giai đoạn quá độ từ nền y tế bao cấp sang y tế vận hành theo thị trường, hiện vẫn đang trong lộ trình tiến tới viện phí tính đúng, tính đủ, nên điều chỉnh tăng viện phí một chút mà đòi hỏi tăng chất lượng thì chỉ mang tính tương đối, cần phải chờ đợi và đánh giá thêm. Tôi cho rằng chờ đợi sự thay đổi rõ rệt chất lượng dịch vụ y tế thì vượt quá thực tế hiện nay, bởi nền y tế của chúng ta có rất nhiều vấn đề” - ông Trần Tuấn nói.

Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Nam Liên cũng thừa nhận, nếu đặt vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trước rồi mới tăng viện phí thì rất khó mà phải vừa điều chỉnh giá vừa nâng cao chất lượng. Trên cơ sở nâng cao chất lượng thì các cơ sở y tế sẽ thu hút được người bệnh đến và có nguồn lực để nâng cao chất lượng y tế. Dẫn chứng từ đợt điều chỉnh tăng giá viện phí theo Thông tư liên bộ 04 vào năm 2012, đến nay sau 3 năm thực hiện, bộ mặt khoa khám bệnh và buồng bệnh của hầu hết các bệnh viện trên cả nước đã thay đổi, chất lượng dịch vụ y tế đã được nâng lên một bước. 

“Điều quan trọng nhất của đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này là khi tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế sẽ giúp thay đổi cơ bản nhận thức của cán bộ y tế và các bệnh viện, bởi khi lương của họ không phải do ngân sách Nhà nước chi trả nữa mà do cơ quan BHXH và người dân trực tiếp trả tiền thì bắt buộc họ phải làm tốt mới có bệnh nhân, mới có nguồn trả lương và tồn tại, phát triển được” - ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam khẳng định, điều chỉnh viện phí sẽ có tác động tích cực đối với người dân. Đặc biệt, người bệnh BHYT sẽ không phải bỏ tiền túi của mình để đóng góp cho các khoản chi phí mà trong thực tế đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế do Quỹ BHYT chi trả.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Bệnh nhân không còn phải “mang ơn” bác sĩ

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ có lợi cho cả người cung cấp dịch vụ và người dân và chắc chắn khi điều chỉnh dịch vụ y tế thì phía các bệnh viện sẽ phải cố gắng nâng cao chất lượng để phục vụ người dân tốt hơn. Với cơ chế tài chính như hiện nay, các bệnh viện dù làm tốt hay chưa tốt thì vẫn được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí trả lương cho nhân viên bằng cách tính theo đầu giường bệnh. Điều đó dẫn đến tình trạng bệnh nhân đi khám bệnh phải “mang ơn” bác sĩ hoặc không ít nhân viên y tế có thái độ thờ ơ với người bệnh.

Còn khi giá viện phí được tính đúng, tính đủ, Nhà nước ngừng cấp kinh phí, những bệnh viện không thu hút được bệnh nhân do chất lượng và thái độ phục vụ chưa tốt, không có thu sẽ không có tiền để chi trả lương cho nhân viên. Tăng viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ là cách tốt nhất để các bệnh viện tự “chuyển mình”, thay đổi thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Nguyễn Phan