Khó tránh tăng viện phí

ANTĐ - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang xem xét điều chỉnh giá dịch vụ y tế để tiến tới không tạo ra mặt bằng 2 loại giá như hiện nay. Theo đó, tới đây, giá dịch vụ y tế ở các bệnh viện sẽ được thống nhất, không còn phân biệt viện phí công lập với giá khám dịch vụ xã hội hóa, tự nguyện.
Khó tránh tăng viện phí  ảnh 1

Tiến tới tính đúng, tính đủ

Trong hơn 3 năm qua, giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh 2 lần, tuy nhiên mới chỉ tính 3/7 yếu tố trực tiếp cấu phần thành giá, 4 yếu tố còn lại vẫn đang được Nhà nước bao cấp. Trong đó, giá viện phí vẫn chưa tính đến tiền lương của nhân viên y tế, khiến bệnh viện không đủ kinh phí để bổ sung biên chế phù hợp. Các bệnh viện công lập như Xanh Pôn, Thanh Nhàn… đã nhiều lần phản ánh, mỗi lần điều chỉnh tiền lương công chức, viên chức là bệnh viện lại… toát mồ hôi vì không biết lấy nguồn nào để trả lương cho nhân viên trong bối cảnh ngân sách cấp hạn chế. Các tiêu cực, nhũng nhiễu của nhân viên y tế cũng vì thế chưa thể xóa bỏ được.

Cũng vì lý do này, hiện nay, ở hầu hết các bệnh viện công lập đều đang tồn tại song song 2 loại giá dịch vụ khám chữa bệnh là giá dịch vụ công và giá dịch vụ y tế từ các hoạt động xã hội hóa. Trong đó, giá dịch vụ từ các hoạt động xã hội hóa luôn cao hơn do bệnh viện đã tính thêm các phần tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế, tiền khấu hao trang thiết bị y tế… Trước thực trạng trên, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, cần tiếp tục điều chỉnh giá viện phí, tiến tới tính đúng, tính đủ. Khi đó, chất lượng khám chữa bệnh chắc chắn sẽ tăng, không còn phân biệt khu vực công lập hay tự nguyện, xã hội hóa.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, mới đây, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đã quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế tiến tới tính đúng, tính đủ theo 3 giai đoạn: đến năm 2016, phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định; đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Như vậy, nhiều khả năng trong năm nay, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp. Do đó, giá viện phí chắc chắn sẽ tăng cao so với hiện nay. 

Người dân thêm nặng gánh?

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, việc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương trong giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Điều này không nhằm tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, cũng không phải để tăng chi phí thực hiện các dịch vụ y tế mà thực chất là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp vào giá viện phí. Khi đó, các bệnh viện sẽ chủ động được nguồn trả lương cho nhân viên và các chi phí trực tiếp khác, có điều kiện để bố trí nhân lực phục vụ, chăm sóc người bệnh tốt hơn và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Đặc biệt, khi tính tiền lương nhân viên y tế vào giá viện phí, không phải Nhà nước giảm đầu tư cho y tế, giảm hỗ trợ người bệnh mà phần ngân sách này sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, như vậy, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT sẽ được nâng cao hơn. Cụ thể, người bệnh có thẻ BHYT sẽ được BHYT thanh toán với mức cao hơn. Trước đây, nhiều dịch vụ y tế do mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai được và người bệnh BHYT sẽ được thụ hưởng…

Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đủ chi phí là thực hiện chủ trương cải cách tài chính công, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Điều này giúp ngân sách Nhà nước có thêm nguồn lực để tăng chi đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở, các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần… Do đó, quyền lợi chung của người dân sẽ được đảm bảo.