Tăng trưởng vì người nghèo

ANTĐ - Năm 2012, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, trong đó hướng tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới. Các hoạt động kinh tế sẽ công khai, minh bạch hơn và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Đó là lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước cộng đồng nhà tài trợ quốc tế và các đối tác phát triển với những quan ngại về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và phòng chống tham nhũng.

Ảnh: DĐDN

Với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và giảm nghèo”, các nhà tài trợ ghi nhận những thành công của Chính phủ Việt Nam trong xử lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức như năm 2011. Chẳng hạn như đã cắt giảm, điều chuyển trên 81.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát khiến nhập siêu giảm mạnh, cả năm 2011 dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Liên tục trong 6 tháng cuối năm, lạm phát chỉ tăng dưới 1%. Bội chi ngân sách nhà nước cả năm ước giảm xuống còn 4,9%, thấp hơn kế hoạch cả năm 5,3%. Nợ công vẫn giữ ở mức an toàn khoảng 54,9% GDP.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 ước giảm 2% là một nỗ lực lớn. Mặc dù đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong việc dẫn dắt nền kinh tế vượt qua giai đoạn đầy cam go, các đối tác vẫn khẳng định Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm tới. Bởi vì lạm phát của nước ta hiện nay “ẩn nấp” chủ yếu trong nhóm hàng lương thực, thực phẩm cũng như nhóm hàng hóa nhập khẩu vì chính sách định giá thấp đồng tiền. Ngoài ra, cung tiền cũng là nhân tố lớn gây ảnh hưởng tới lạm phát cao. “Lạm phát tăng cao trở lại sẽ tác động tới vấn đề thâm hụt ngân sách bởi Việt Nam phải tăng chi tiêu bù đắp lạm phát, trong đó có tăng lương.

Vì vậy, vấn đề kỷ luật tài khóa cần phải tăng cường, quan tâm hơn nữa”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khuyến cáo. Đại diện phái đoàn EU thì cảnh báo rằng, với những bất ổn hiện nay, Việt Nam cần phải xác định mô hình phát triển kinh tế đáp ứng được những thách thức từ mục tiêu phát triển thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Vị Đại diện nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam là điều đáng lo ngại. Nhưng quan trọng hơn là giải quyết chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới và điều này cần có những chiến lược ưu tiên.

Theo nhận định của đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm trong nhóm nước có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Tuy nhiên, với tỷ lệ lạm phát cao, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cần được đặt lên vị trí ưu tiên số 1. Thắt chặt chi tiêu công không đồng nghĩa với việc giảm đầu tư cho công tác giảm nghèo và trợ cấp xã hội. Liên hợp quốc ủng hộ Chính phủ quyết tâm thiết lập một mô hình tăng trưởng kinh tế mới, trong đó có hướng tới mục tiêu tăng trưởng vì người nghèo. Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, nhiều người lao động phải mất việc làm, đời sống trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là người có thu nhập thấp, người nghèo và người dân tộc thiểu số.

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định cam kết mục tiêu phát triển kinh tế năm 2012 là tái cơ cấu nền kinh tế hướng vào 3 lĩnh vực then chốt cùng với những chỉ tiêu kinh tế khiêm tốn. Song vẫn đặt mục tiêu tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp của thành thị khoảng 4%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%. Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và giảm nghèo chính là để đạt mục tiêu tăng trưởng vì người nghèo như khuyến cáo của Liên hợp quốc.