Tăng tốc dự án giao thông: Quận, huyện chịu trách nhiệm nếu chậm giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ghi nhận thực tế cho thấy, hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thành phố vẫn tiếp tục yêu cầu tăng tốc để hoàn thành sớm các dự án, nhất là trong khu vực nội thành để giảm ùn tắc.

Tăng tốc dự án giao thông: Quận, huyện chịu trách nhiệm nếu chậm giải phóng mặt bằng ảnh 1Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch -cầu Thăng Long đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 10-2020

Giảm “điểm đen” ùn tắc, thêm đất cho giao thông

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tới nay, đã hoàn thành 5 tuyến đường giao thông liên vùng, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận gồm 4 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 và một cầu vượt sông (cầu Văn Lang trên tuyến Ba Vì - Việt Trì).

TP Hà Nội cũng đã hoàn thành 5 công trình cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm: cầu vượt ở nút giao Cổ Linh, Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, nút giao trung tâm quận Long Biên, cầu vượt Bắc sông Hồng, cầu vượt An Dương và đã hoàn thiện kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3. Thành phố cũng đã cải tạo, mở rộng tuyến đường đê từ An Dương - khách sạn Thắng Lợi. Đến hết năm 2019, đã hoàn thành 5 cầu vượt dành riêng cho người đi bộ, mục tiêu trong năm 2020 tiếp tục hoàn thành 12 cầu vượt cho người đi bộ trên địa bàn.

Về vận tải hành khách công cộng, trong giai đoạn 2016 - 2019, Hà Nội đã mở 33 tuyến xe buýt, nâng tổng số tuyến xe buýt toàn thành phố lên 124 tuyến. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã; 453/484 số xã, phường, thị trấn; 27/27 khu công nghiệp.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đã thay đổi rõ rệt. Năm 2015, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị, đến cuối năm 2019, con số này đạt 9,75% và dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05%.

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, số “điểm đen” ùn tắc giao thông đã giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2016 có 41 điểm; năm 2017 giảm còn 37 điểm; 2018 giảm còn 33 điểm và đến cuối 2019 còn 27 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông…

Thêm nhiều công trình lớn sắp hoàn thành

Từ nay tới cuối năm, dự kiến, Hà Nội sẽ có thêm một số công trình giao thông trọng điểm ở khu vực nội thành hoàn thành, góp phần giảm ùn tắc. Cụ thể, với dự án mở rộng tuyến đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long - dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương thi công, hoàn thiện toàn bộ phần đi bằng (dưới mặt đất) trong tháng 9-2020.

Với dự án cầu cạn trên cao, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long do Bộ GTVT thực hiện, dự kiến có thể hoàn thành toàn bộ vào ngày 10-10. Tương tự, dự án cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên có thể sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào dịp 2-9.

Với dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng làn đường phía dưới - dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng tập trung giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công…

Với đoạn đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng, lãnh đạo thành phố chốt tiến độ xong vào 2-9-2020; toàn bộ phần đi bằng, từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng hoàn thành trước 30-12-2020; toàn bộ dự án (phần đi bằng mở rộng theo quy hoạch và phần đường bộ trên cao) hoàn thành cuối năm 2021…

Phải tăng tốc giải phóng mặt bằng các dự án

Dù bộ mặt giao thông đô thị của Hà Nội có khởi sắc, song nhiều ý kiến cử tri vẫn đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo và đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm theo quy định đối với các dự án chậm triển khai, tránh để các dự án “treo” ảnh hưởng đến việc cấp sổ đỏ, cấp giấy phép xây dựng cũng như đời sống của nhân dân.

Ghi nhận ý kiến này, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 4-12-2019 cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn được HĐND TP thông qua, có 214 dự án xây dựng công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách thành phố.

Trong đó, thành phố đã xác định hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020: 148 dự án và chuyển tiếp 66 dự án sang giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, qua rà soát, đến thời điểm hiện nay, cần chuyển tiếp khoảng 102 dự án (khoảng 36 dự án chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020).

Về nguyên nhân của việc triển khai các dự án giao thông chưa đảm bảo tiến độ, UBND TP Hà Nội cho rằng, do khối lượng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, việc bố trí tái định cư chưa kịp thời, đồng bộ với tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB).

Cùng đó, chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có sự thay đổi, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Hệ quả là mặt bằng được bàn giao thường ở tình trạng xen kẹt, trong khi một số dự án phải vừa triển khai thi công, vừa tổ chức giao thông phục vụ nhu cầu đi lại bình thường cho nhân dân. Đáng chú ý, nhiều cơ chế chính sách mới đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sau khi Chính phủ ban hành các quy định mới. Theo đó, cần rà soát, nghiên cứu để tục triển khai thực hiện cho phù hợp.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, UBND TP Hà Nội chỉ đạo: “Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND TP về tiến độ GPMB các công trình trọng điểm trên địa bàn, để đảm bảo tiến độ triển khai theo đề xuất điều chỉnh của chủ đầu tư các dự án. Các địa phương cần tập trung quyết liệt, đẩy nhanh công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng thi công”.

Cùng với đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư phải khẩn trương rà soát, tham mưu cho UBND TP phương án tiếp tục triển khai đối với các công trình điểm đã được xác định đầu tư theo hình thức đối tác công tư loại hợp đồng BT và xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đối với các công trình trọng điểm như: Quốc lộ 6 Ba La - Xuân Mai, đường 70, Đường vành đai 3,5: đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long…

Trong quá trình rà soát, cần lưu ý việc Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, trong đó quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.

Xử phạt 13 chủ đầu tư dự án nhà chung cư 860 triệu đồng

Liên quan tới xử lý các hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà chung cư, Sở Xây dựng hà nội cho biết, đã kiểm tra được 79 nhà chung cư trên địa bàn thành phố; lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với số tiền 860 triệu đồng (trong đó có 2 trường hợp báo cáo UBND TP ban hành Quyết định xử phạt với tổng số tiền 250 triệu đồng, 11 trường hợp Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định xử phạt với tổng số tiền 610 triệu đồng).

Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND TP ra văn bản yêu cầu 25 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị. Sở đã thông báo công khai danh sách 13 chủ đầu tư, báo cáo UBND TP đề nghị ban hành văn bản yêu cầu bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho Ban quản trị.

Về việc kiểm toán sử dụng quỹ bảo trì, Sở Xây dựng hà nội cho biết, theo quy định của pháp luật, quỹ bảo trì là tài sản của cư dân, cư dân nhà chung cư tự thuê kiểm toán để kiểm toán việc sử dụng quỹ bảo trì 2%. Đối với việc sửa đổi quy định về quản lý nhà chung cư, Sở Xây dựng hà nội cho biết, đã có Tờ trình trình UBND TP ban hành quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố hà nội.

Hiện nay, UBND TP đang chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tư pháp báo cáo, giải trình, xin ý kiến thống nhất các Ban của HĐND TP để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thành ủy và của HĐND TP.

Thành Nam