- Đề xuất tăng lương cơ sở từ 1-5-2016
- Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ thấp hơn
- Bố trí ngân sách để mỗi năm tăng lương 5-7%
Tăng lương tối thiểu vùng, nhiều người lao động vẫn lo lắng
Trước đó, từ ngày 1-1-2016, việc điều chỉnh lương đã được triển khai đối với nhóm các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để đạt mức lương cơ sở. Đồng thời, từ ngày 1-1-2016 đến 30-4-2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng, vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống như năm trước.
Nguồn tiền tăng lương được các bộ, ngành, địa phương cân đối trên cơ sở dự toán NSNN được giao năm 2016. Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, sau gần 3 năm hưởng lương cơ sở “giậm chân” ở mức 1.150.000 đồng, từ tháng 5 này, gần 3 triệu người đang hưởng lương Nhà nước trong diện tăng lương đã có thể nhẹ đầu hơn ít nhiều khi túi tiền lương hàng tháng của mình nặng thêm chút đỉnh. Việc tăng lương cũng góp phần bình đẳng hơn mức thu nhập giữa các bộ phận người lao động trong xã hội, bởi từ năm 2013 tới nay, mức lương tối thiểu vùng (dành cho người lao động trong các khu vực doanh nghiệp...) tăng đều đặn trên 10% mỗi năm. Thậm chí, mức lương tối thiểu vùng 4 (vùng thấp nhất trong 4 vùng lương) cũng đã cao hơn gấp 2 lần so với lương cơ sở.
Điểm đáng chú ý, với sự chia nhỏ và tách rời tránh tăng lương giật cục và đồng loạt trong tất cả các đối tượng hưởng lương, nên nguồn tiền lương mới tăng thêm (khoảng 11.000 tỷ đồng) của kỳ tăng này đi vào tiêu dùng xã hội sẽ góp phần tăng tổng cầu và kích thích tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp bớt gánh nặng hàng tồn kho, trong khi không tạo áp lực tăng giá kiểu “té nước theo mưa”.
Bởi lẽ, với tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4-2016 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, thì lượng tiền lương mới này giả sử dùng hết cho tiêu dùng thì cũng chỉ bổ sung chưa được 0,4% tổng cầu này. Nghĩa là, với mức tăng lương mới khiêm tốn như vậy và trong khi cân đối hàng hóa đang nghiêng về thừa cung, thì chắc chắn áp lực “tăng lương-tăng giá và tăng lạm phát” sẽ không hiện hữu, gây hậu quả tăng giá hàng nặng nề và rõ rệt như quá khứ thời “giá-lương- tiền” như ngày đầu chuyển đổi.
Với tổng thu NSNN dự toán năm 2016 là 1.019.200 tỷ đồng, tổng số chi cân đối NSNN là 1.273.200 tỷ đồng và mức bội chi NSNN là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP của năm 2016, việc tăng lương cũng không gây áp lực nặng lên cân đối NSNN.
Tuy nhiên, tăng lương luôn đồng nghĩa với hệ quả khiến vị trí việc làm trong khu vực Nhà nước thêm hấp dẫn và “đắt đỏ”; làm tăng sức kéo, nán níu một bộ phận cán bộ người lao động thuộc khu vực này, nhất là nhóm người có năng lực và trách nhiệm thấp, khiến tăng chi thường xuyên và chậm quá trình tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Bởi vậy, tăng lương cần đi đôi với kiên quyết xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiện toàn tổ chức, làm rõ yêu cầu và tiêu chí nhiệm vụ của từng vị trí việc làm; áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực và trách nhiệm cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, giảm thiểu tình trạng “nuôi báo cô” những biên chế thừa bằng tiền thuế người dân.
Tăng lương là tốt đối với người nhận lương, nhưng luôn có tác động đa chiều và nhiều hệ lụy mặt trái về chi phí và sức cạnh tranh, ổn định tài chính vĩ mô và vi mô, cũng như công bằng xã hội, đòi hỏi cần được xử lý thận trọng, khoa học, trên cơ sở hài hòa lợi ích…