Tăng cường truyền thông để tạo đồng thuận Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ ngày 16-3-2022 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3-2022 vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành. Nghị quyết của Chính phủ có nội dung tăng cường hơn nữa truyền thông để tạo đồng thuận Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ An ninh trật tự ở cơ sở.
Lực lượng công an cơ sở tăng cường bám dân, bám cơ sở giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân

Lực lượng công an cơ sở tăng cường bám dân, bám cơ sở giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 30-1-2022. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật cần phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan khác; lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tăng cường truyền thông, tạo đồng thuận, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Hoàn thiện dự án Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chính phủ thống nhất với các quan điểm, mục tiêu của dự án Luật; nội dung dự thảo Luật phù hợp với các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Đề nghị xây dựng Luật, nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.

Với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục đích xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Việc xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, bảo vệ quyền con người, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc nói riêng, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ; tiếp tục lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức liên quan, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phạm vi điều chỉnh của Luật cần bao quát đến cả 3 đối tượng là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.

Tạo sự đồng thuận với Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung đề xuất của Bộ Công an về việc tiếp thu, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về vị trí, chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ tại Phiên họp, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật, từ nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, đến bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất và chế độ, chính sách bảo đảm phù hợp với tính chất, vị trí, vai trò, chức năng của lực lượng này là tự quản, tự nguyện, làm nòng cốt trong việc phát huy năng lực của nhân dân ở cơ sở trong sự nghiệp toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn; bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tính đặc thù cho từng vùng miền về lĩnh vực này; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các lực lượng: Công an xã bán chuyên trách, Dân phòng, Bảo vệ dân phố để sửa đổi hoặc bãi bỏ, thay thế kịp thời khi ban hành Luật này, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học cả trong và ngoài ngành Công an; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận.

Chính phủ đồng ý đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Sau khi rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo trong quá trình xây dựng và trình dự án Luật này, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Xin ý kiến chỉ đạo về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật

Về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án Luật do Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung về phân cấp, phân quyền; cơ chế đặc thù đầu tư, xây dựng công trình đường bộ trong dự án Luật Đường bộ theo nguyên tắc: những gì vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong thực tiễn thì cần phải sửa đổi, bổ sung; trường hợp sửa đổi, bổ sung mà gây mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác thì phải có biện pháp xử lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về việc xác định các khoản thu liên quan đến đường bộ.

Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, thống nhất về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp; không quy định về tổ chức bộ máy trong các dự án luật; chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, đề xuất xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới phát sinh.

Chính phủ đồng ý đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 2 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Sau khi rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật (Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ).

Về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Chính phủ cơ bản thống nhất với hồ sơ dự thảo Nghị quyết và đồng ý phương án 1 như đề xuất của Bộ Công an về áp dụng chính sách thuế đối với tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam.

Bộ Công an rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo hướng: Bổ sung, tiếp thu ý kiến tham gia hợp lý của các đối tượng tác động của Nghị quyết; Thiết kế điều khoản riêng quy định rõ nguyên tắc thực hiện thí điểm; Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết làm cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết. Sau khi chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo hướng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.