Tấn bi kịch của người cha già nuốt nỗi đau, khi con gái tâm thần bị kẻ đồi bại hành hạ

ANTĐ - Nhà có một người điên đã khổ, nhưng ở thôn nghèo ấy, người đàn ông đã ngoài thất thập lại đang còm cõi trông chừng 2 đứa con tâm thần, và 1 đứa cháu ngoại mới đang bi bô tập nói. Đứa cháu ấy là kết quả của sự ngu ngơ đến đau đớn sau những lần con gái ông bị kẻ xấu làm chuyện đồi bại. Để rồi ông phải hứng chịu những nỗi truân chuyên suốt cả một kiếp người. Chuyện của gia đình ông là tấn bi kịch và đối với ông giờ đây đã “hết chỗ để đau”.

Tấn bi kịch của người cha già nuốt nỗi đau, khi con gái tâm thần bị kẻ đồi bại hành hạ ảnh 1
Cô gái tâm thần và đứa con của mình


Thân già còm cõi 

Nghe câu chuyện của ông từ một người hàng xóm, chúng tôi tìm đến thôn Diên Trường (thị trấn Thuận An, Thừa Thiên-Huế) vào một buổi chiều tiết trời hơi se lạnh, khi những đám cỏ dại mọc trên đê ruộng mới bị đợt lũ nhấn chìm nay hiện ra sắc vàng héo úa. Theo sự chỉ dẫn của một bà cụ đi đường, chúng tôi cũng đã tìm đến được nhà ông Trần Hữu Dục (SN 1945, ở thôn Diên Trường) - người cha có nỗi buồn hằn trĩu trên cuộc đời. Từ khi sinh ra cho đến tận bây giờ, ông vẫn bị nợ áo cơm “chì riết” dai dẳng trong cảnh bần hàn, đói khổ triền miên.

Thấy có người hỏi thăm, ông Dục đang lúi húi chuẩn bị nấu cơm liền chạy ra với vẻ mặt ngạc nhiên vì “hiếm lắm nhà mới có khách”. Về nhà sau một ngày đi bắt ốc, ông Dục lại tất bật nấu cơm cho mấy đứa con thần kinh không ổn định và cháu ngoại gần 2 tuổi. Ông cười đau đớn bảo: “Cả ngày chúng nó mới được ăn một gói mỳ tôm thôi!”. Đôi bàn tay run run, người lả đi vì “dạ dày trong veo” từ sáng đến chiều, ông Dục lập cập nấu nhanh để có miếng cơm vào bụng. 

Cha mất sớm, nên từ thuở lên 9 lên 10 ông Dục đã phải trôi dạt đất khách quê người để mưu sinh, kiếm ăn qua ngày. Lo miếng ăn cho bản thân mình, rồi phải chắt chiu từng đồng gửi về cho mẹ nuôi hai đứa em nhỏ ở quê nhà. Mãi đến năm 41 tuổi ông mới nghĩ đến chuyện lập gia đình... Nhấp ngụm nước chè đắng chát, khuôn mặt ông Dục nhăn nhúm lại như muốn chắt nốt những giọt nước mắt đau khổ cuối cùng ra để mà làm dịu bớt đi lòng mình.

Ông nhớ lại: “Tôi xa quê vào Sài Gòn khi còn bé lắm, lúc đó mẹ tôi mới sinh em gái xong, chưa làm được gì nên gia đình thường đói ăn đứt bữa. Trong khi họ hàng ở xa không cậy nhờ gì hết được, mẹ đành gửi tôi vào ở nhà một người quen ở Sài Gòn, nhưng chừng 1 năm, tôi bỏ đi lang thang làm thuê, làm mướn cho người ta đến năm 41 tuổi mới về nhà và cưới vợ. Tưởng có gia đình thì sẽ bớt nỗi gian nan, nào ngờ đó lại tiếp tục là những chuỗi ngày long đong của tôi!”.

Ngày ấy, ông có quen một người đàn bà cùng quê, người đàn bà ấy cũng nghèo khó quá lứa nhỡ thì. Chính sự cô đơn đã mang hai người đến gần nhau và cùng nhau kết nghĩa trăm năm. Sau 2 năm sống với nhau mà không cưới treo gì cũng bởi quá nghèo, họ trở về quê ở cùng với người mẹ già cô thân, cô quạnh với niềm tin “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Hai vợ chồng sống êm ấm, hạnh phúc với nhau chừng 4 năm, sau một cơn bạo bệnh người vợ của ông đã bỏ lại ông và 2 đứa con ra đi về cõi khác. Vợ mất, thế là gánh nặng gia đình đổ hết xuống đôi vai ông, lấy của ông tất cả chút sức lực còn lại. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền bắt buộc ông phải làm việc cật lực, từ phụ hồ, cuốc đất đến bốc vác để có tiền nuôi người mẹ già và hai đứa con thơ mới biết đi chập chững.

“Hồi ấy, lúc mẹ của các cháu mất, gia đình tôi hết sức khó khăn. Dù tôi đã cố gắng đi làm thuê từ sáng sớm đến đêm khuya mới về nhưng cái đói vẫn không buông tha. Nhà tôi cả ngày chỉ ăn ốc và rau muống dại để cầm hơi mỗi khi bão lũ đến, còn gạo thì cả tháng có khi biết mùi cơm được đôi lần thôi. Hai đứa con của tôi vì thế nên thường đau ốm. Những lúc thấy chúng nó khóc vì đói tôi đứt từng khúc ruột, nhưng vì sức cùng lực kiệt nên tôi cũng đành bất lực!”- ông Dục nhớ lại. Tuy sinh ra trong lúc khó khăn, thiếu thốn nhưng hai đứa con của ông vẫn lớn lên ngay trong cảnh cơ hàn mà không có lấy bàn tay chăm sóc, nâng niu của người mẹ. Hai đứa cũng biết hiếu nghĩa, biết thương cha, kính bà. Ngày ngày vẫn đi làm thuê kiếm tiền phụ bớt gánh nặng cho người cha già yếu của mình. Rồi bỗng dưng cho đến một ngày...

Tấn bi kịch của người cha già nuốt nỗi đau, khi con gái tâm thần bị kẻ đồi bại hành hạ ảnh 2
Ông Dục cùng - con - cháu, trong ngôi nhà của mình

Khi người đàn ông khóc

Đó là một ngày đầu tháng 10 năm 2010, bi kịch liên tiếp đến với gia đình ông. Hai đứa con đang tuổi xuân thì của ông bỗng dưng... nổi điên. Đứa con trai đầu, Trần Hữu Tùng (SN 1984) sau một hôm đi làm thuê về tự nhiên đâm ra lẩn thẩn, đêm quên ngủ ngày quên ăn, chỉ khóc lóc chửi bới lung tung và thường hay bỏ đi lang thang giữa đêm khuya. Tưởng đâu con mình như thế chỉ vài ngày, chỉ cần ở nhà ăn uống bồi dưỡng rồi sẽ khỏi, nào ngờ bệnh tình của Tùng ngày càng nặng thêm. Suốt ngày Tùng đập phá đồ dạc, đá đấm thình thịch vào vách nhà rồi chửi bới, khóc rên thê thiết...  

Thương con bệnh tật, thế là ông phải chạy vạy vay mượn tiền hàng xóm đưa Tùng đi Bệnh viện Tâm thần Huế chữa trị. Dù đã hơn nửa tháng điều trị mà bệnh tình của Tùng vẫn chưa mấy thuyên giảm. Trong khi đó số tiền nhỏ nhoi vay mượn được đã hết. Vậy nên, ông đành ngậm ngùi đưa Tùng về nhà để tiện trông nom, săn sóc. Sau rồi, bệnh của Tùng cũng đỡ hơn nhưng thi thoảng vẫn lên cơn và đập phá đồ đạc trong nhà.  Thấy con trai mình sắp khỏi bệnh, ông Dục mừng lắm. Nhưng thật khổ cho ông, nỗi buồn khác đã kéo tới.

Trong khi Tùng chưa lành hẳn bệnh thì một tháng sau cô con gái út Trần Thị Điệp (SN 1986) cũng có biểu hiện giống như người anh trai mình vậy! Suốt ngày Điệp kêu gào, xé áo, xé quần rồi chạy lang thang ngoài đường. Có ngày Điệp đi không về nhà, ông Dục phải cuống cuồng chạy đi tìm con gái trong đêm tối mù mịt. Hình ảnh người cha già gầy còm bước thấp bước cao, ngã lên, trượt xuống trong đêm quá quen thuộc với người dân ở đây. Mỗi lần thấy ông đi tìm con như vậy thì dân làng cùng kéo nhau đi tìm cùng ông và bà con thường giúp đỡ khi thì bơ gạo, hộp sữa khi thì vài đồng để đỡ đần ông.

“Đời tôi giờ chẳng còn chi hết nữa. Con cái thành ra thế này thì còn chỗ mô để đau nữa chú hè. Chừ tôi còn sống ngày nào, còn nước nôi cơm bưng nước rót cho hai đứa được! Chỉ sợ sau này tôi già quá rồi, sống được mấy ngày nữa mô, khi tôi chết ai lo cho tụi nó đây hở chú. Nghĩ ông trời cũng thật buồn cười, người ta thì từng này tuổi được nương tựa vào con, được an nhàn vui thú tuổi già. Còn tôi thì ngày nào cũng còng lưng ra đồng bắt cua bắt ốc hay đi làm thuê để nuôi chúng nó!”, ông chua chát bảo thế, trên khuôn mặt gầy guộc của ông lã chã hai hàng nước mắt.

Thời gian vừa qua, mẹ ông tuổi già lại không chịu nổi những nỗi đau cứ thay nhau ập đến nên cũng đã mất. Đã hơn 2 tháng nay trời thì trở lạnh, nước lũ đổ về mà ông vẫn cứ phải trần mình dưới dòng nước để mò cua bắt ốc, sức khỏe ông yếu đi nhiều. Ông Dục cứ ho liên miên, nên không làm lụng gì được nữa. Vả lại, chẳng có ai mà chịu bỏ tiền ra thuê một thân già ốm yếu làm thuê cho vì trai tráng, thanh niên trong thôn rất nhiều. Thế nên mọi chi tiêu ăn uống trong gia đình chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm, trông chờ vào trợ cấp bệnh tật của hai đứa con, được khoảng 540.000 đồng.

Cứ ba, bốn bữa Tùng và Điệp lại trở bệnh một lần. Đứa thì xé rách áo quần, kêu gào, khóc lóc thảm thiết. Đứa rượt đuổi đòi đánh ông. Biết làm sao trước những đứa con “một hồi tỉnh, ba hồi điên” như thế, vả lại sức thanh niên của chúng có thể quật ngã thân già ốm yếu của ông bất cứ lúc nào! Những lúc con trở bệnh, ông chỉ biết khóa cửa nhà thật chặt rồi lủi thủi trốn sau vách nhà, đứng nhìn chúng qua khe cửa sổ mà nuốt những giọt nước mắt mặn mòi cứ lăn dài trên đôi má xương xẩu của mình. Tiếng la hét, quát tháo của hai đứa trong căn nhà ọp ẹp cứ vọng ra làm lòng ông như dao cứa từng khúc…

Khi chúng tôi đến thăm, Tùng đã đi đâu biệt tích một tuần nay, ông Dục đi tìm khắp thôn xóm nhưng chẳng biết Tùng đi đâu. Nhìn thấy cảnh tượng trên ai mà chẳng chạnh lòng thương xót cho hoàn cảnh tội nghiệp, cho cái số phận trớ trêu của gia đình ông. Thú thật là tôi đã bật khóc khi nghe ông khóc than với đứa con, đứa cháu khờ dại trong nước mắt kèm nhèm: “Con ơi! Ba không nuôi nổi các con nữa rồi!”. Trong căn nhà tình thương (xây năm 2005) ọp ẹp, trống hoác chẳng có lấy một vật gì giá trị ngoài chiếc quạt cũ thếch.

Ông Dục với thân hình gầy guộc, vừa bế cháu, vừa loay hoay tranh thủ pha cháo trắng bón cho đứa cháu ngoại ăn. Đứa cháu ấy lại là kết quả của những lần con gái ông bị kẻ xấu làm hại, mà ông cũng chẳng biết kẻ đồi bại đó là ai để mà “bắt đền” nữa. Giờ nó đã gần 2 tuổi rồi mà cũng chưa thấy mặt cha nó hỏi han đến. Thế là ông cứ chấp nhận tất cả những oái ăm “đè” xuống cuộc đời mình...

Giấy tờ bệnh viện của Tùng và Điệp

Nuốt nước mắt vào trong

“Nó bị tâm thần có biết gì đâu, còn tôi thì vất vả mưu sinh nên nhiều khi cũng không để ý xem nó ở nhà thế nào, hay nó đi đâu nữa. Vậy mà, người ta lại nhẫn tâm cưỡng hiếp con bé không sức kháng cự ấy như thế!”. Ông kể: “Tôi choáng váng chẳng biết thế nào mà nó lại bị như thế được. Cứ nghĩ mãi cái chuyện làm sao nó có thai mà đau đớn. Thân nó rứa chưa lo được nữa huống gì sinh con ra nữa. Hôm đó tôi ngất lịm mãi từ chiều đến đêm mới tỉnh. Tỉnh dậy, tôi thấy bà con làng xóm đến thăm, động viên, còn con Điệp thì ngồi ôm bụng dưới xó bếp nói cười nhảm nhí một mình. Thấy nó như rứa, thật tôi muốn chết quách đi cho xong. Răng mà đời tréo ngoe oái oăm rứa chú hè!”.

Bà con thấy gia cảnh ông như thế thì khuyên ông đem Điệp lên bệnh viện để phá thai nhưng ông vẫn quyết giữ giọt máu của con. Ai mà lại thất đức đến mức làm cái chuyện động trời đó cho được. Bởi lúc nào ông cũng tin rằng trời Phật không tuyệt đường đối với cha con ông. 

Sau chín tháng 10 ngày, cơm cháo qua ngày, Điệp cũng đã sinh ra đứa con trai kháu khỉnh. Hỏi ông Dục về cha của đứa trẻ, ông lắc đầu buồn bã nói: “Nào có biết ai là cha của đứa bé này chi mô. Mà chốn này thì đông người qua lại, nó cứ mỗi lần lên cơn lạ xé quần xé áo đi lang thang nên mới bị như thế. Lúc nó có thai, tôi thấy biểu hiện lạ hỏi nó thì nó chỉ cười hềnh hệch. Biết là của ai được hả các anh! Thôi thì là cháu mình, mình nuôi vậy! Sinh con ra mà nó không biết nuôi con. Cũng không biết cho con bú. Thân già như tôi đành phải thay nó làm nghĩa vụ của một người mẹ vậy!”.

Ông Dục buồn rầu mắt ngấn nước rồi nhìn đứa con ngớ ngẩn, phơi đầu trần ngoài sân giữa trời mưa gió, ông Dục quát to để con gái chạy vào hiên nhà, nhưng vẫn nhếch nhác cười hềnh hệch vô thức, trên tay vẫn cầm quả ổi xanh gặm lấy gặm để. 

Cuộc sống của ba cha con ông vốn đã rất khó khăn, nay lại thêm đứa cháu nên túng thiếu cứ bủa vây lấy gia đình ông. Cái đói, cái nghèo hằn lên số phận. Nhà khó khăn nên ông thường xuyên nhường cơm cho con cháu, còn mình chỉ cạo ít cháy bám đáy nồi chan với nước canh lõng bõng ăn qua bữa. “Ông Dục khổ lắm! Ổng ho triền miên cả tháng nay, già cả rồi mà một đồng một cắc mua thuốc uống cũng không có nữa. Thật tội!” - bà Mai, hàng xóm ông Dục chia sẻ.

Sống trong tủi nhục

Đã ở cái tuổi thất thập, ông Dục không còn đủ sức làm lụng công việc đồng áng nữa. Ngày ngày, ông lân la ở các chợ để làm những việc vặt kiếm chục nghìn lẻ về nuôi con cháu mình. “Nhiều khi thấy khổ tâm lắm, cầu trời khấn Phật cho tôi khỏe thêm mấy năm nữa để đi làm nuôi cháu lớn thêm, chứ chừ nó mới gần 2 tuổi. Mỗi ngày tôi chỉ dám tiêu 10.000 đồng, vì còn chắt bóp đề phòng lúc ốm đau! Tám tháng nay rồi, tôi cứ vay mượn để mua sữa cho cháu. Nhiều người bảo tôi mang cho cháu đi nhưng đứa trẻ này vô tội. Rủi tôi cho cháu đi, sau này lỡ có việc gì thì đến chết tôi vẫn không khỏi ân hận! Thôi thì nó có cha đấy mà cũng như trẻ mồ côi. Mẹ nó thì điên dại cứ hay bỏ nhà đi lang thang. Tôi cố chăm cho nó được chừng mô hay chừng ấy trong sức của mình thôi!”.

Cuộc sống mưu sinh tạm bợ từng ngày, đói rét triền miên, thiếu ăn nên trông ai cũng gầy gò hốc hác. Thi thoảng, cả 4 cha con ông cháu lại lang thang khắp chợ để xin ăn, nhặt nhạnh thêm ve chai về bán kiếm tiền mua bát gạo, bát muối. Nhưng có khi, ba bốn hôm chẳng có ai cho lấy một bát cơm để ăn, 4 cha con, ông cháu lại phải uống nước lã, ôm nhau nằm ngủ để quên đi cái đói. Hôm nào không dậy đi làm được, hôm đó mấy cha con ông cháu lại nhịn ăn. Thương con, cháu, thi thoảng ông lại lên đầu ngõ xin hàng cơm ít cháy chan canh ăn tạm. Ngày khỏe đi kiếm được, tối về cha con, ông cháu mới có cơm, còn ban ngày thì cả nhà cùng nhịn.

“Tội nghiệp nhất là đứa nhỏ. Nhiều hôm chẳng có gì để lót vào bụng, đêm nó quấy khóc vì đói. Nhìn chúng nó mà nước mắt tôi cứ trào ra, tội nghiệp lắm!”, bà Mai hàng xóm nói như khóc.

Ôm đứa cháu vào lòng, ông Dục cười nắc nỏm: “Tên cháu là Nguyễn Văn Hinh. Vì mẹ cháu đau ốm thế, nên Hinh không uống được sữa mẹ. Cứ mỗi tuần tôi lại phải trích ra 100.000 đồng trong số tiền mà bà con giúp đỡ và một ít tiền từ việc làm thuê của mình để mua sữa, mua cháo bồi bổ cho cháu Hinh đấy!”. Lúc trò chuyện với tôi, ông Dục bảo Điệp vừa từ Bệnh viện Tâm thần Huế về nhà được hai tuần. Nhưng trông cô vẫn khờ khạo, cứ ngồi thu lu ở góc giường cười nói một mình khi thấy người lạ. Có lẽ trong một góc nhỏ bé nào đó của trí nhớ mình, cô vẫn còn sợ hãi cái khoảnh khắc bị cưỡng bức.

Trò chuyện với tôi, ông Dục ước nguyện: “Giờ tôi chỉ mong nó đi trước tôi. Chứ giờ tôi già không biết sống được bao lâu, chết rồi ai lo được cho mẹ con nó đây!”. Nghe lời “ước nguyện” của người đàn ông khốn khổ cả một đời mà sao thấy lắm nỗi đắng cay đến thế. Cám cảnh với cuộc sống của ông Dục, chúng tôi lại càng thương đứa trẻ vô tình phải hứng chịu nỗi truân chuyên của cuộc đời ngay khi vừa mới chào đời. Tôi cũng biết nói gì với ông nữa, cũng chỉ mong trời Phật cho ông sức khỏe!