Tấm lòng cao cả của người mẹ kế hiến thận cứu con chồng

ANTĐ - “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Vậy mà trong cuộc sống này vẫn có người tha lôi, lặn lội, chạy vạy khắp nơi chữa bệnh cho con chồng. Không những thế người mẹ kế này còn cắt đi một phần thân thể của mình để cứu con chồng qua cơn bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi đã tìm về Thái Bình để gặp con người có tấm lòng cao cả bao dung đó…

4 năm đưa con đi chạy thận

Những ngày giáp Tết, con đường về thôn Kiên Xá, xã Nguyên Xá, Vũ Thư, Thái Bình thật yên bình. Không khó để chúng tôi tìm được nhà chị. Ngôi nhà ngói đơn sơ không một vật gì có giá trị nhưng vẫn ấm áp bởi tình người. 

39 tuổi chị mới bắt đầu cuộc sống gia đình với một người đàn ông góa vợ. Nhưng cũng từ đây chị phải đối mặt với bao khó khăn vất vả khi hai con chồng đều bị suy thận. Từ khi bước chân về nhà chồng là những tháng ngày ngược xuôi Thái Bình - Hà Nội đưa con đi chạy thận tuần 2-3 lần, chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho con. Khi bệnh tình của con ngày một nặng thêm, chị đã không ngần ngại tự nguyện hiến thận cho con. Tiếp chúng tôi, chị Lý nghẹn ngào kể: Đến nay, cũng được 4 tháng kể từ ngày thực hiện ca phẫu thuật ghép thận cho cháu. Sức khỏe 2 mẹ con cũng bình thường. Sức khỏe của Lân có nhiều chuyển biến. Còn tôi thì cũng thấy yếu đi ít nhiều nhưng không sao, tôi vẫn chịu đựng được. 

Là người cùng thôn, 2 nhà cách nhau 500m nên chị Lý rất thấu hiểu hoàn cảnh của anh Ước. Vợ anh mất sớm, 3 bố con rau cháo nuôi nhau. Cảnh gà trống nuôi con nhiều tủi cực trong làng ai cũng biết. Chị Lý rất cảm thông với hoàn cảnh của anh. Với cầu nối là 2 đứa con, chị Lý và anh Ước đã nên duyên vợ chồng được 5 năm, khi đó chị đã 39 tuổi. Mong có một đứa con, được làm mẹ là niềm khao khát của tất cả những người phụ nữ trên cõi đời này. Chị cũng vậy. Hôn nhân muộn màng, lại đã nhiều tuổi, chị cũng đi khám ở nhiều nơi, lên cả Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bác sĩ cũng nói bệnh của chị có thể chữa được, chỉ cần chị kiên trì thì sẽ có thể mang thai. Tuy nhiên kinh tế khó khăn, cứ hết việc này lại đến việc khác khiến chị lần lữa mãi. Thời gian trôi đi, chị vẫn chưa có điều kiện, thời gian để thực hiện ước nguyện làm mẹ của mình. 

Chị ở nhà làm ruộng, còn anh Ước đi làm thợ xây nay đây mai đó. Hai cháu Trương Văn Lượng (sinh năm 1986) và Trương Văn Lân (sinh năm 1988)  đang theo học nghề điện, nghề lái xe tại trường Trung cấp nghề số 19 - Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, lấy nhau chưa được bao lâu thì trong một lần tai nạn lao động anh Ước gãy cả hai chân. Anh Ước vừa khỏi bệnh cũng là lúc 2 con của anh đột ngột phát hiện bị suy thận. Cũng căn bệnh này đã cướp đi sinh mệnh của mẹ hai cháu trước đây.

Từ đó là những ngày tháng ba mẹ con ngược xuôi Thái Bình - Hà Nội để chạy thận. Chị kể: Anh đi xây để kiếm tiền, vì vậy chỉ còn tôi và các cháu chạy chữa. Tuần nào cũng vậy, 3 lần/tuần ba mẹ con lên Bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Sau khi lo chỗ ăn chỗ ở cho con xong chị lại bắt xe về nhà để lo công việc ở nhà. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi ông trời sao tai họa lại giáng xuống gia đình nhỏ bé này. Các cháu còn quá trẻ, mới đang tuổi ăn học, tương lai còn ở phía trước đã sớm phải đương đầu với bệnh tật. Ban ngày thì không sao nhưng cứ về đêm là các cháu đau đớn, không ngủ được. Tôi thương các cháu vô cùng mà không biết phải làm thế nào, chỉ biết ngồi đấm  bóp, vỗ lưng cho các con.

Mặc dù không phải là mẹ đẻ nhưng lúc nào chị Lý cũng coi Lân và Lượng như chính con ruột của mình, hết lòng chăm sóc, lo lắng. Nhưng đầu năm nay, bác sĩ thông báo Lân đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh suy thận và cho biết chỉ còn 2 cách điều trị là chạy thận nhân tạo chu kỳ và ghép thận. Chạy thận nhân tạo thì sức khỏe bệnh nhân sẽ ngày càng kém đi và cũng rất tốn kém. Còn ghép thận thì phải tìm được người cho thận với các chỉ số phù hợp và chi phí phẫu thuật cũng rất lớn. 

Có ai nghĩ được như chị không?

Đứng trước bài toán hóc búa, anh Ước lại không cùng nhóm máu nên không thể cho thận. Anh chị đành đi khắp gia đình nhà ngoại và nội, nhờ vả xem ai có thể đi xét nghiệm để cho cháu thận nhưng đây thực sự là một điều rất khó. Cuối cùng chỉ còn mình chị. “Hôm đó, chỉ có 2 vợ chồng đưa nhau lên Hà Nội để làm các xét nghiệm. Không ngờ tôi lại cùng nhóm máu với cháu Lân và có các chỉ số miễn dịch phù hợp - điều mà với người không cùng huyết thống rất hiếm. Bác sĩ thông báo tôi có thể cho thận cháu nhưng cũng cảnh báo trước là sức khỏe của tôi sau này sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Thực sự lúc đó tôi cũng không đắn đo nhiều. Chỉ còn mình tôi có các chỉ số phù hợp, tôi lại không cho thì tính mạng của cháu chỉ còn tính bằng ngày. Trong khi đó cháu còn trẻ, tôi thì đã già. Tương lai của cháu còn ở phía trước. Hơn nữa 4 năm vừa qua đưa các cháu đi chạy thận tôi thấy rất vất vả, đi đi, về về, nhập viện, lại ra viện, số tiền chạy chữa cũng rất nhiều. Dù các cháu có bảo hiểm nhưng phải mua thuốc ngoài nhiều, rồi lại tiền ăn ở đi lại. Bao nhiêu chi phí ấy khiến kinh tế gia đình tôi kiệt quệ, phải vay mượn nhiều. Nếu ghép thận xong mà cháu không phải đi chạy thận nữa thì cả 2 mẹ con cũng đỡ cực khổ. Nghĩ là làm, tôi quyết định hiến thận cho cháu. Lúc đó trong gia đình tôi mọi người cũng không phản đối nhiều. Bố tôi đã mất từ lâu, chỉ còn mẹ đã già, thú thực sức khỏe tôi yếu đi thì cũng lo lắng. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, tôi cũng không đành nhìn cháu cứ đau yếu, chết dần chết mòn vì bệnh tật như thế.  

Chưa từng gặp một trường hợp nào như vậy

Ngày chị Lý lên Hà Nội làm phẫu thuật, cả gia đình chị anh em họ hàng ai cũng lên cùng. Chỉ có mẹ chị ở nhà khóc suốt mấy ngày, khiến cho 2 mắt cụ mờ đi, không nhìn thấy gì, phải đi bệnh viện điều trị. Còn các bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai, từ trưởng khoa đến giám đốc đều nói chưa từng gặp một trường hợp mẹ kế lại hiến thận cho con chồng như vậy. “Ca phẫu thuật thành công, gia đình có chút quà cảm ơn bác sĩ nhưng các bác sĩ ở đây đều dứt khoát không nhận, nói rằng hoàn cảnh gia đình như vậy ai lấy làm gì. Thực sự tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ ở đây” - chị tâm sự.

Ca phẫu thuật hết 300 triệu. Anh em họ hàng ai cũng thông cảm với hoàn cảnh gia đình chị nên đều cho vay mượn. Hội Phụ nữ xã Nguyên Xá cũng vận động cán bộ, hội viên ủng hộ được hơn 20 triệu đồng. Hội Phụ nữ tỉnh và Trung ương cảm động trước tấm lòng của chị cũng tìm về tận nơi tặng quà. Nhiều người cũng hỏi tại sao chị lại hiến thận cho con chồng, trong khi bản thân còn chưa có con. Giờ hiến thận rồi thì cơ hội có con càng khó khi sức khỏe đã bị giảm sút, nhưng chị chỉ cười bảo: Ai cũng vậy thôi, thấy chết không thể không cứu. Huống chi cháu cũng là con chồng tôi. Nếu tôi coi cháu như coi đẻ thì các cháu cũng sẽ coi tôi như mẹ đẻ. Tôi chỉ buồn là tôi chỉ cứu được một mình cháu Lân, còn cháu Lượng giờ vẫn như ngọn đèn trước gió - vừa nói chị vừa rưng rưng nước mắt.

Hiện tại anh Ước ở tuổi 52, sức khỏe rất yếu nhưng vẫn đi xây. Còn chị ở nhà làm ruộng và nuôi thêm chim bồ câu. Bác sĩ dặn phải kiêng lao động 6 tháng nhưng nghỉ ngơi chưa được một tháng chị đã phải ra đồng. Không làm thì cũng không ai làm thay. Trong khi trong nhà còn bao nhiêu thứ phải lo: chi phí chạy thận hàng tuần cho cháu Lượng, chi phí thuốc thang cho cháu Lân và còn nợ nần khắp mọi nơi. Mặc dù vậy trong con mắt của chị vẫn ánh lên sự lạc quan, tin tưởng: Mọi việc đến sẽ đến. Mình có đau khổ, vật vã cũng không giải quyết được việc gì. Nhiều người cứ xót xa cho tôi, bảo tôi số vất vả, hôn nhân đã muộn màng lại phải đương đầu với bao khó khăn. Nhưng tôi không bao giờ oán thán vì điều đó. 

Anh Ước cũng xúc động nói: tấm lòng của bà ấy cả thôn xóm ai cũng biết. Thực sự 3 bố con tôi nếu không có bà ấy không biết phải xoay xở thế nào. Còn Lân, người trở về từ cõi chết vô cùng biết ơn mẹ Lý: “Dù không phải là mẹ đẻ nhưng mẹ Lý đã sinh con lần thứ hai.” Giờ đây ước nguyện lớn nhất của anh chị và gia đình là cháu Lượng cũng được ghép thận, được sống, được làm việc, học hành như bao bạn bè khác.