Tám cơ chế đặc thù gỡ vướng ba chương trình mục tiêu quốc gia: Chi ngân sách phải quản lý chặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, về các cơ chế đặc thù, liên quan ngân sách Nhà nước, dù một đồng cũng phải quản lý cực kỳ chặt chẽ…
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy thảo luận tại tổ ĐBQH Hà Nội

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy thảo luận tại tổ ĐBQH Hà Nội

Sáng 16-1, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Bản dự thảo Nghị quyết được Chính phủ trình ra Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 đã đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù để gỡ khó cho 3 chương trình (gồm CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030).

Tại tổ Hà Nội, các ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc Nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mang tính “thí điểm” song chưa nêu rõ việc “thí điểm” ra sao, thời gian bao lâu, cơ chế kiểm soát thế nào?…

“Nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện các dự án trong CTMTQG. Tuy nhiên, việc phân cấp lại không có cơ chế kiểm soát, nếu xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện rất khó để xem xét trách nhiệm” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) băn khoăn.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) tán thành với quan điểm của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là lựa chọn phương án 2, quy định: “HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các CTMTQG trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao…”.

Theo ông Cường, phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các CTMTQG. Tuy vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu thảo luận tổ

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu thảo luận tổ

Cũng phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội liên quan đến nội dung kể trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, 3 CTMTQG cực kỳ phức tạp, đan xen, thậm chí xung đột với nhau, nếu không gỡ không làm được. Do vậy, việc ban hành nghị quyết sẽ giúp giải quyết được các vướng mắc này.

Phó Thủ tướng cũng thông tin, nguyên tắc lớn nhất của các cơ chế, chính sách mà Chính phủ kiến nghị Quốc hội là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở và đòi hỏi tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó, có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có thể bổ sung thêm trách nhiệm của mặt trận tổ quốc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, liên quan ngân sách Nhà nước, dù một đồng cũng phải quản lý cực kỳ chặt chẽ.

Về việc phân cấp cho huyện, xã, Phó Thủ tướng cho biết, đúng là vẫn còn một số băn khoăn, bởi nguyên tắc là phân cấp phải có tính khả thi và cấp dưới phải làm được.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, hầu hết nội dung Chính phủ trình không phải cơ chế thí điểm mà là cơ chế đặc thù. Thí điểm là cho áp dụng phạm vi nhỏ sau đó rút kinh nghiệm, có thể mở rộng. Còn ở dự thảo, chỉ nội dung liên quan lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024 - 2025.