Tại sao giới trẻ coi rẻ mạng sống của mình?

ANTĐ - Những vụ tự tử trong độ tuổi từ 15-30 ngày càng tăng, nhưng lại thường vì lý do quá đơn giản khiến cho nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao ngày nay giới trẻ lại coi rẻ mạng sống của mình đến như vậy?

TS Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hiện trạng ngày càng nhiều vụ tự tử ở độ tuổi 15-30 do những nguyên nhân quá đơn giản?

TS Ngô Thanh Hồi: Thời gian gần đây, dư luận lên tiếng nhiều về vấn đề này. Đối với những bác sĩ điều trị về tâm thần như chúng tôi, lại nhìn nhận vấn đề theo những phương diện khoa học. Việc tìm đến cái chết, hay nghĩ rằng tìm đến cái chết là một hành động “anh hùng” của giới trẻ hiện nay. Có nhiều nguyên nhân về cả hai mặt bệnh lý và tâm lý. Nhưng những trường hợp mới đây xuất hiện lại liên quan nhiều đến nguyên nhân tâm lý.

Tại sao giới trẻ coi rẻ mạng sống của mình? ảnh 1
Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về nguyên nhân này?

TS Ngô Thanh Hồi: Giới trẻ nhận những tác động bên ngoài, ảnh hưởng tới nhận thức cũng như hành vi như phim ảnh, các mạng xã hội, truyện tranh… Bên cạnh đó, một phần lý do dẫn đến những vụ việc đáng tiếc xảy ra là do các em “lớn sớm”, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà chính các em chưa đủ nhận thức để sàng lọc thông tin. Điều đó khiến cho những nhận thức lệch lạc sẽ dần dần ăn sâu vào tâm thức của các em lúc nào cũng không rõ. Như hiện nay, có những trang mạng xã hội của một nhóm các em có ý thích tự làm đau mình, cắt cổ tay, rạch bụng và cùng  nhau chia sẻ cảm xúc, khiến cho những em có tâm lý kém hoặc tò mò dễ bị dụ dỗ và đi theo. Và việc rủ nhau tự tử tập thể là điều khó mà tránh khỏi. Là bác sĩ chuyên chữa các bệnh lý về tâm thần, tôi hiểu được rằng, tất cả các nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ “quyên sinh” đều được biểu hiện rõ ràng.

PV: Vậy với hai nguyên nhân về bệnh lý và tâm lý thì theo ông, cái nào nguy hiểm hơn, thưa ông?

TS Ngô Thanh Hồi: Cả hai đều nguy hiểm như nhau. Nếu nói đến nguyên nhân bệnh lý thường là những người đang hoặc đã bị mắc các bệnh về loạn thần và trầm cảm nặng. Đối với những người bị loạn thần thì ở hai trạng thái ảo thanh và hoang tưởng. Họ tự nghe thấy những tiếng nói trong đầu thúc giục rằng: Nhảy lầu đi hoặc uống thuốc ngủ đi…, còn hoang tưởng thì họ lại có những ý nghĩ tự ti, tự tội, cho rằng mình là người thừa, mình không đáng sống nên phải chết… Nhưng những trường hợp này những năm gần đây giảm đi rất nhiều.

Còn đối với những trường hợp tự tử hiện nay mà báo chí đang đề cập tới thường ở nguyên nhân tâm lý. Có thể đó là những cú sốc đầu đời, thất tình, gia đình bất ổn, bạn bè, bạn học xa lánh, bị thóa mạ, áp lực học hành, thi cử hoặc bị ảnh hưởng bởi game online… Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, lứa tuổi trẻ vị thành niên là một lứa tuổi dễ bị tổn thương, và đối với những sự cố thậm chí là nhỏ nhặt nhất lại được các em coi là sự xúc phạm sâu sắc. Chúng phản ứng bằng những hành vi lo âu, xáo trộn. Đối với những trẻ có khả năng tự sát lại tiếp nhận những hành động này là sự đe dọa trực tiếp đến bản thân chúng và có cảm giác lòng tự trọng bị tổn thương… Cùng với đó, những trường hợp dẫn đến giới trẻ tự tử lại thường rơi vào hoàn cảnh ít được bố mẹ, những người xung quanh quan tâm, chia sẻ, hoặc bị cha mẹ áp đặt, khiến cho sự việc trở nên đáng tiếc mà chính các bậc cha mẹ không lường trước được.

PV: Vậy có nghĩa là, tình trạng giới trẻ tự tử ở độ tuổi từ 15-30 hiện nay, một phần do chính cách quan tâm và giáo dục của gia đình?

TS Ngô Thanh Hồi: Đó cũng là một phần, bởi khi cha mẹ mải miết với công việc, hoặc kỳ vọng quá nhiều vào con cái, áp đặt chúng, mà quên đi việc phải chia sẻ và quan tâm thực sự, khiến cho những đứa trẻ có “nguy cơ” nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, hoặc đôi khi cha mẹ làm việc căng thẳng về nhà lại mắng nhiếc con cái khiến cho chúng có suy nghĩ mình không cần thiết cho bố mẹ, mình là người thừa. Hoặc đối với những gia đình có điều kiện lại chỉ đáp ứng được nhu cầu vật chất cũng khiến cho trẻ thấy không được quan tâm và việc làm đau mình hoặc tự tử là một cách để gây chú ý đến người thân.

Theo các nghiên cứu trên thế giới trẻ nằm trong độ tuổi từ 15-19 tự sát nằm trong nhóm 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ở nhiều quốc gia, tự sát được xếp vào nguyên nhân gây chết hàng đầu hoặc thứ hai ở học sinh nam, nữ lứa tuổi này. Đôi khi ở trẻ có những biểu hiện như học hành sa sút, lười nhác, cáu gắt vô cớ, tự thu mình lại…  Nhưng những bậc phụ huynh lại cho rằng đó không phải là bệnh lý tâm thần mà lại dùng những phán xét về đạo đức con người áp đặt lên trẻ. Điều đó khiến thanh thiếu niên càng bị dồn vào sự u uất khiến họ không muốn sống và sẽ dẫn đến tình trạng tự tử. Hoặc đối với những trẻ có hành động tự làm đau mình thì cha mẹ lại không quan tâm khiến các em lại rơi vào tình trạng tiếp diễn dẫn đến tự sát.

PV: Bác sĩ hãy cho những bậc cha mẹ lời khuyên trong việc nắm bắt tâm lý con em mình, đặc biệt là việc đối diện với áp lực của kỳ thi đại học sắp tới của các học sinh?

TS Ngô Thanh Hồi: Trong những năm trở lại đây, chúng tôi đã kết hợp với một số trường học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để giảng dạy cho các em về các bệnh lý tâm thần. Đó là một trong những cách làm giảm nguy cơ và phòng ngừa cho giới trẻ. Còn lời khuyên của tôi đối với các bậc phụ huynh, đó chính là hãy quan tâm hơn đến con mình. Vì đôi khi không phải đáp ứng hết yêu cầu vật chất của con là đủ. Những trường hợp đáng tiếc đều rơi vào tình trạng trẻ thiếu sự chia sẻ của mọi người xung quanh, của gia đình, của bạn bè và trường học… Không chỉ cho con học về kiến thức thông thường mà trong giao tiếp hằng ngày đều có thể dạy cho con cách đối diện với khó khăn, thất bại cũng như những tình huống khiến tinh thần của con trẻ trở nên sa sút.

Chúng ta cần phải nhạy cảm với trẻ hơn nữa, chia sẻ hơn và đặc biệt là hãy trang bị cho mình một chút kiến thức về sức khỏe tâm thần để không chỉ quan tâm đến con mình mà cả những người xung quanh…

PV: Cảm ơn ông đã có những ý kiến trao đổi quý báu!