Tái mở ngành y dược: Lo chất lượng đào tạo

ANTĐ - Sau gần 1 năm tạm dừng việc mở ngành đào tạo y dược trình độ đại học, quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành này làm dấy lên mối lo chất lượng của nghề đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

Tái mở ngành y dược: Lo chất lượng đào tạo ảnh 1Bộ GD-ĐT đã từng phải ngăn chặn sự “bùng nổ” đào tạo ngành y dược (Ảnh minh họa)

Quyết định giảm hiệu lực sau 1 năm

Tình trạng thừa nhân lực, chất lượng đào tạo kém là nguyên nhân khiến Bộ GD-ĐT quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH với các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với các ngành dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y dược vào tháng 12-2014. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực ngành này với các chuyên ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ...; 35 trường CĐ y dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ...; 44 trường trung cấp; 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH. 

Quy mô đào tạo ngày càng lớn nhưng chất lượng lại khiến nhiều người lo ngại. Điều này dễ nhận thấy bởi trong khi các trường đào tạo y dược truyền thống có mức điểm xét tuyển cao ngất ngưởng thì đầu vào của những trường mới mở ngành này tụt xuống mức xấp xỉ điểm sàn trong các kỳ tuyển sinh ĐH. Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã phải chính thức lên tiếng về tình trạng nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế.  

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tình trạng đào tạo tràn lan và việc thiếu tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế dẫn tới thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này không đảm bảo chất lượng. Trước “sức ép” nói trên, Bộ GD-ĐT đã phải tạm dừng việc cấp phép mở ngành đạo tạo y dược bậc đại học đối với trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y, dược. Tuy nhiên, quyết định này đã giảm hiệu lực sau 1 năm thực hiện khi ngày 19-11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học.


Mở ngành y dược vì sức hút học phí cao

Ngành y dược lâu nay là ngành có sức hút lớn khiến các thí sinh phải vượt rất nhiều thử thách để được theo học ngành này. Nhu cầu theo học lớn cộng với mức học phí cao chính là lý do nhiều trường ĐH không chuyên về ngành này muốn đăng ký mở ngành đào tạo y dược. Với khung quy định của Nhà nước cho phép thu cao nhất đến 4,4 triệu đồng từ năm 2016 đối với sinh viên ngành y dược thì học phí của ngành này gấp hơn 2 lần so với khối kỹ thuật, công nghệ và hơn 2,5 lần so với khối kinh tế, xã hội. Đây sẽ trở thành nguồn thu không nhỏ đối với những trường được phép đào tạo y dược.

Về việc được cấp phép mở ngành đào tạo này, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cho 2 ngành đào tạo và khẳng định Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đã kiểm tra kỹ danh sách cán bộ giảng viên cũng như thẩm định điều kiện mở ngành. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ cũng rất thận trọng trong việc cho phép mở ngành y dược. “Trước đây 2 năm, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội làm hồ sơ trình, nhưng Bộ có chủ trương giảm thiểu đào tạo y dược ở các trường đa ngành nên chưa xem xét.

Đến nay, điều kiện của trường đáp ứng như yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ này có công văn đồng ý cho mở ngành, nên lãnh đạo Bộ GD-ĐT ra quyết định để thực hiện xã hội hóa, trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được cơ quan quản lý ngành xác nhận”.

Trước đó, ngày 17-11 Bộ Y tế cũng đã có công văn ủng hộ trường này mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa và Dược học sau khi hoàn thiện các nội dung góp ý được ghi trong biên bản của đoàn thẩm định mở ngành Y đa khoa và Dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Mặc dù khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện mở ngành nhưng dự kiến mức điểm đầu vào ngành y dược của trường này là 20 điểm vẫn gây tranh luận. Câu hỏi đặt ra là tiếp sau trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội liệu sẽ có hàng loạt các trường khác cũng xin và được phép mở ngành đào tạo y dược trước cảnh báo về chất lượng và dư thừa nguồn nhân lực?