“Tải” không xuể, khó “thông”

ANTĐ - Trước mỗi dịp cận Tết, các lực lượng CSGT, CSTT và Thanh tra GTVT Hà Nội đều phải tổ chức triển khai kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý xe khách vi phạm trên các tuyến đường ra vào nội đô. Chạy vòng vo, chở quá tải, không đăng ký tuyến cố định và chạy không đúng lộ trình đăng ký… hàng loạt những lỗi vi phạm ấy đã trở nên phổ biến, và có thể nói, lực lượng chức năng… phạt không kịp với vi phạm diễn ra.

Lái xe khách ở Hà Nội “nhờn” luật, hay “xem nhẹ” lực lượng chức năng? Cả hai giả thiết này đều không phải cái gốc của vấn đề. Họ buộc phải vi phạm và chấp nhận chịu bị xử phạt hành chính, để… mưu sinh. Có thể dễ dàng nhìn thấy một tồn tại lâu nay, dù rất khó chấp nhận; đó là tình trạng nhồi nhét quá nhiều xe khách vào một tuyến hành trình, và cả sự quá tải ở một vài bến xe. Tâm lý nhà xe nào cũng vậy, cứ tuyến nào đông khách là lao vào đăng tài, cứ bến nào tấp nập lại nhào vào đăng ký hoạt động, và rất ít khi họ bị từ chối. Câu hỏi đặt ra là, vai trò của cơ quan điều tiết luồng, bến - Sở GTVT Hà Nội - đâu? Hỏi cũng bằng… thừa, bởi người có trách nhiệm của cơ quan này luôn có cách giải trình rất khéo: “Nhu cầu kinh doanh của nhà xe, của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước không thể cấm”.

“Cái chết của nhà xe” là thuật ngữ xuất hiện ở nhiều bến xe lớn tại Hà Nội trong vài năm trở lại đây. “Chết” là bởi xe nhiều nhưng không có khách nên hoặc là phải dừng chạy xe, hoặc là tìm mọi cách, kể cả vi phạm Luật Giao thông đường bộ, để “vớt” để “câu khách”. Nhà xe “chết”, cơ quan quản lý, điều tiết vận tải vẫn vô tư, vẫn chỉ dành mối quan tâm cho những tuyến, bến xe sôi động. Một tồn tại khó chấp nhận khác thể hiện vai trò, trách nhiệm điều tiết luồng tuyến, đầu xe “có vấn đề” là cơ quan quản lý cứ mặc kệ sự quá tải của những bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát, đối lập với sự đìu hiu của bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), vốn từng được kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực cho vận tải khách nội đô.

Hà Nội cần bao nhiêu xe khách thì đủ đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân? Và cần bao nhiêu xe để đủ tăng cường cho những đợt cao điểm lễ, Tết? Hai câu hỏi này không khó trả lời, nếu cơ quan quản lý vận tải làm trọn trách nhiệm của mình, cùng với sự phối hợp thông tin của từng bến xe. Và 2 câu hỏi ấy cũng rất cần sớm được trả lời, để có sự tính toán, phân bổ, quản lý hợp lý các lượt xe ở mỗi bến xe. Kéo dài tình trạng cung vượt cầu ở nhiều tuyến, nhiều bến như hiện nay, rõ ràng, công tác xử lý chưa thể triệt để. Mà bến và hạ tầng “tải” không đủ tần suất, lượt xe khách, thì đường phố làm sao mà “thông” được.