Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2016):

Tác nghiệp ở Trường Sa

ANTĐ - Với rất nhiều người, được đặt chân tới Trường Sa luôn là một vinh dự lớn, một niềm tự hào lớn, còn với những người làm báo thì ngoài điều đó, việc được tác nghiệp tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc này luôn là một trải nghiệm vô giá.

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô (đứng) tác nghiệp ngay trên xuồng vào đảo giữa tròng trành sóng nước

Tới địa bàn, đi cơ sở để lấy tin, bài, thực hiện phỏng vấn… vốn là chuyện thường ngày với mỗi phóng viên. Thế nhưng khi “địa bàn” là một nơi đặc biệt như ở Trường Sa, thì cảm xúc trong mỗi người làm báo sẽ trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Chẳng thế mà trước hải trình ra Trường Sa, tôi không ít đêm mất ngủ vì háo hức.

Sự háo hức ấy cứ tăng dần khi thời điểm lên tàu ra đảo chỉ còn tính bằng ngày. Một sĩ quan quân đội chia sẻ: “Em cố gắng giữ sức khỏe, vì khi đã đặt chân tới Trường Sa, em sẽ chỉ muốn làm việc liên tục mà thôi”. Lời dặn dò có phần như “cảnh báo” ấy càng làm chúng tôi hồi hộp và phấn chấn.

Các phóng viên tác nghiệp tại lễ khởi công xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo Tiên Nữ

Tác nghiệp ở Trường Sa, bên cạnh việc chuẩn bị phương tiện cho thật tốt, thì việc làm thế nào để chống chọi lại những cơn say sóng là điều bất cứ phóng viên nào cũng phải lưu tâm. Từ thuốc tây, băng dán, vòng chống say… cho tới những phương thuốc dân gian, tất cả đều đã được sử dụng với mục đích cuối cùng là để các phóng viên có sức khỏe tốt nhất.

Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng nếu say sóng và nằm một chỗ thì chuyến tác nghiệp sẽ thành công cốc. Thật may mắn là cả hải trình, không phóng viên nào phải trải qua cảm giác say sóng ấy cả. Có người đùa rằng, chắc do ngọn lửa nghề trong mỗi người đã át hết cơn say đi rồi. Và nếu có say, thì chỉ là say… đảo mà thôi. 

Tác nghiệp ở Trường Sa luôn có một điều kỳ lạ, đó là cảm giác lâng lâng và tự hào khi vác máy ảnh, máy quay chạy khắp các đảo mà mình đặt chân tới, gặp từng người chiến sĩ làn da sạm lại vì nắng gió, từng người dân tần tảo, kiên cường bám biển, hay từng đứa trẻ ngoan ngoãn, ngây thơ đến trong veo giữa bão tố biển khơi… Một cảm giác mà tôi dám chắc ai từng trải qua sẽ không bao giờ quên. 

Phỏng vấn một chiến sĩ trẻ trên đảo An Bang

Vượt qua thử thách say sóng, thử thách tiếp theo trong quá trình tác nghiệp chính là việc xuống xuồng để vào đảo. Không phải đảo nào cũng có cầu tàu như ở Trường Sa lớn, nên việc phải di chuyển bằng xuồng nhỏ để vào đảo chìm là việc bắt buộc. Ngay cả trong những ngày không có sóng to gió lớn, thì những chiếc xuồng cũng rất tròng trành giữa sóng nước. Để giữ thăng bằng đã khó, nhiều phóng viên còn phải chụp ảnh, quay phim ngay trên xuồng bất chấp nguy hiểm.

Nếu không may người ngã xuống biển thì đã được trang bị áo phao nhưng nếu máy móc mà bị “tắm” nước biển thì coi như bỏ đi, bởi muối trong nước biển chính là kẻ thù của đồ điện tử. Khó khăn là thế, nhưng cả chặng đường hơn 1.000 hải lý đều trôi qua suôn sẻ với sự đồng lòng của chúng tôi, để rồi cảm giác cuối cùng chính là niềm  hạnh phúc vì đã làm hết mình, cùng những bài viết, những hình ảnh, thước phim ưng ý để truyền tải tới đồng bào khắp mọi nơi. Đằng sau mỗi tác phẩm ấy đều là những câu chuyện, những phận đời hay đơn giản chỉ là một dấu ấn đầy cảm xúc… nhưng nó lại mang ý nghĩa sâu sắc và lớn lao. 

Chính hình tượng những người lính kiên cường ngày đêm đứng giữa nắng gió, giông tố để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã là động lực, là điểm tựa cho tất cả những phóng viên chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm để làm tốt công việc của mình. Và sau tất cả, Trường Sa thực sự là một “địa bàn” tuyệt vời để mỗi nhà báo, phóng viên thấy trân quý hơn nghề mà mình đã chọn.