Sụp mi bẩm sinh - không nên lo lắng quá

ANTĐ - Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, ai sinh ra cũng muốn có một đôi mắt lành lặn, sáng trong, cân đối, khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu ai đó không may mắn sinh ra với đôi mắt bị sụp mi thì cũng không nên lo lắng quá, bởi sụp mi bẩm sinh có thể điều trị bằng phẫu thuật.
Sụp mi bẩm sinh - không nên lo lắng quá ảnh 1

Dấu hiệu

Sụp mi là hiện tượng sa xuống của mi trên thấp hơn so với vị trí bình thường của nó, thông thường bờ mi trên phủ rìa cực trên của giác mạc 1-2mm. Mi mắt là một bộ phận quan trọng trong việc bảo vệ hệ thị giác và tham gia tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt. Sụp mi không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chức năng thị giác.

Theo các nhà khoa học, 19% số ca sụp mi có thị lực kém. Sụp mi có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc như 3,5% các trường hợp sụp mi gây ra lác, loạn thị, 63,1% số mắt nhược thị do sụp mi có kèm theo tật khúc xạ.

Sụp mi bẩm sinh và sụp mi do mắc phải; sụp mi đơn thuần và sụp mi phối hợp (khi sụp mi đi kèm những dị tật khác như bẹt mi, hẹp khe mi…). Sụp mi bẩm sinh xuất hiện ngay sau khi sinh và chiếm 75% các trường hợp sụp mi. Mức độ sụp của mi không thay đổi theo thời gian và tình trạng sức khỏe. Sụp mi bẩm sinh có thể gặp ở một mắt hoặc hai mắt và có thể không cân xứng giữa hai mắt. 

Tuổi nào có thể phẫu thuật?

Theo các bác sỹ nước ngoài, phẫu thuật sụp mi thường từ 5 - 6 tuổi, chỉ cần trẻ có thể hợp tác được với thầy thuốc trong khi khám, đánh giá được mức độ sụp mi và chức năng nâng cơ mi. Tuy nhiên, các bác sĩ ở Viện Mắt Trung ương thì cho rằng, không có lứa tuổi cố định để phẫu thuật vì sụp mi. Việc phẫu thuật sụp mi phụ thuộc vào sức khoẻ bệnh nhân có cho phép gây mê để mổ hay không, phụ thuộc vào phương pháp mổ, tình trạng thị lực và tư thế bù trừ của khuôn mặt. Có nhiều phương pháp phẫu thuật sụp mi khác nhau như: làm khoẻ chính cơ nâng mi bằng phương pháp rút ngắn cơ nâng mi trên; sử dụng các cơ lân cận hỗ trợ cho cơ nâng mi… Mỗi loại phẫu thuật đều có ưu, nhược điểm riêng và được áp dụng tuỳ các trường hợp cụ thể. Khi độ sụp mi ít, chức năng cơ nâng mi tốt thì kết quả phẫu thuật sẽ khả quan. Khi sụp mi nặng, chức năng cơ yếu thì kết quả đạt được thường kém.

Biến chứng

Phẫu thuật điều trị sụp mi bẩm sinh có thể gây ra một số biến chứng như không cân đối hai bên mi mắt sau khi mổ: mi nâng quá hoặc không nâng; bờ mi không đều; hàng lông mi vểnh quá so với bên không mổ; hở nhãn cầu khi ngủ - mắt nhắm không kín dễ dẫn đến loét giác mạc; mổ tạo nếp mi không đẹp… Vì thế, sau khi phẫu thuật sụp mi, thầy thuốc và bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ và có hướng điều trị kịp thời nếu có biến chứng xảy ra. Một số bệnh nhân cần được điều trị lâu dài bằng cách tra thuốc, băng ép…