“Sức khỏe” doanh nghiệp

ANTĐ - Báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2011 mới được công bố, đưa ra những đánh giá tổng quát, phân tích năng lực cạnh tranh của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, dự báo nguy cơ tiềm ẩn dễ gây tổn thương. Về vĩ mô, báo cáo đánh giá “sức khỏe” của toàn bộ nền kinh tế. Về vi mô thì đánh giá “sức khỏe” của doanh nghiệp trên cơ sở tài chính và ứng dụng khoa học, công nghệ. Còn một mảng vẫn bỏ trống, đó là “sức khỏe” người lao động.

Lâu nay, không ít doanh nghiệp cả trong nước lẫn đầu tư nước ngoài, cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân thường lớn tiếng khẳng định, người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc duy trì sản xuất - kinh doanh đã là một cố gắng lớn đối với mỗi doanh nghiệp. Loại bỏ hoặc giảm bớt chi phí một cách hợp lý là một cách tối ưu để vượt qua giai đoạn đầy thách thức. Tuy nhiên, đối với người lao động, nhất là những người đã gắn bó và có những đóng góp đáng kể cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp thì không thể đối xử theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”.

Theo số liệu thống kê, năm 2010 cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, thế nhưng có tới 300.000 doanh nghiệp không thành lập công đoàn. Có nghĩa là hàng vạn người lao động trong các doanh nghiệp này chỉ có tên tuổi mà không có “tiếng nói” hoặc nói mà không ai nghe. Không có ai đứng ra che chở, đấu tranh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chưa bàn tới chuyện công đoàn do chủ doanh nghiệp trả lương, công đoàn đứng về ai trong các vụ tranh chấp hợp đồng lao động, đòi hỏi quyền lợi, chế độ, tại sao có quá nhiều doanh nghiệp “trốn tránh” thành lập công đoàn? Có một thực tế bất hợp lý đã tồn tại hơn 20 năm nay.

Theo Luật Công đoàn năm 1990, doanh nghiệp trong nước phải đóng phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ phải đóng 1%, tạo nên sự bất bình đẳng. Trong khi đó, chính người lao động tham gia công đoàn đã phải bỏ tiền túi ra đóng phí. Quy định về quỹ trích nộp phí công đoàn như hiện nay đã dẫn đến hiện tượng cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đơn giản nhất có thể nhận thấy là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có thành lập công đoàn và doanh nghiệp “nói không” với công đoàn. Chỉ có “anh” nào có công đoàn mới phải trích quỹ nên càng tăng thêm gánh nặng chi phí.

Thêm một bất hợp lý, là từ năm 1995 trở về trước, công đoàn được sử dụng một phần kinh phí thu được để chăm lo các điều kiện tối thiểu cho người lao động, nhưng sau năm 1995 trách nhiệm này chuyển về Bảo hiểm xã hội. Như vậy nguồn kinh phí này vẫn tiếp tục thu thì quả là vô lý vì người lao động đâu có được “xơ múi” gì. Hơn thế, nếu quy định cứng nhắc là 2% tổng quỹ lương thì việc điều chỉnh lương tối thiểu trong những năm gần đây càng khiến doanh nghiệp “tránh mặt” công đoàn.

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đang gặp nhiều ý kiến phản đối, nhất là việc doanh nghiệp phải đóng phí công đoàn. Khoản phí này làm tăng chi phí của doanh nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm “sức khỏe” doanh nghiệp. Để bảo đảm “sức khỏe” của cả doanh nghiệp và người lao động, nên loại bỏ quy định bắt buộc trích quỹ công đoàn 2%. Thay vào đó, công đoàn hoạt động bằng ngân sách mới có thể bảo vệ công tâm quyền lợi người lao động như nhiều nước đã thực hiện.