Sức cạnh tranh vẫn yếu

ANTĐ - Từ nhiều năm nay Chính phủ đã nhìn nhận rõ sự yếu kém của nền kinh tế. Bản báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2010-2011 đã thăng hạng Việt Nam từ 75 lên 59, nhưng năm 2012-2013 vị trí của nước ta lại bị tụt hạng quay trở về chỗ cũ của năm 2009-2010. Năng lực cạnh tranh lên xuống thất thường của nước ta cho thấy sự đuối sức so với các nước láng giềng. Đứng sau Thái Lan, Malaysia, Singapore một khoảng cách xa, chỉ đứng trên Lào, Campuchia. Khủng hoảng kinh tế thế giới không chừa nước nào, song nền kinh tế nào yếu kém sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.

Lần đầu tiên Bộ Ngoại giao đã tổ chức một cuộc hội thảo kinh tế với chủ đề “Tái xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thông qua tăng cường khả năng trước các rủi ro”. Chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ được bắt đầu và năm 2012 được coi là điểm xuất phát mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII vừa qua, trong một báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã trần tình một loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ tiến hành công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế. Báo cáo cũng chỉ ra một số điểm được xác định là điểm mạnh về năng lực cạnh tranh của nước ta, nhưng đến nay không được công nhận, thậm chí bị coi là điểm yếu.

Những yếu kém nội tại của nền kinh tế, sự kém hiệu quả trong điều hành thực thi chính sách là một trong những nguyên nhân chính của sự yếu kém này. Năng lực cạnh tranh của nước ta trên bản đồ kinh tế khu vực chứ chưa nói thế giới vẫn được xếp ở mức thấp khi mà nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực giá rẻ, khai thác nguồn tài nguyên. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, sau gần 25 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu là gia công, khai thác tài nguyên. Đẳng cấp của ngành công nghiệp trên bản đồ thế giới chưa được xếp hạng, thiếu tư duy về phát triển công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp dựa vào công nghệ cao. Ngay cả khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hàng chục, hàng trăm tỷ USD thì cũng chỉ tăng được sản lượng chứ không tăng được chất lượng và trình độ.

Một điều dễ nhận thấy là trong 3 khu vực của nền kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thì công nghiệp luôn là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng, nhưng tăng trưởng năng suất của các lĩnh vực trong ngành công nghiệp vẫn ì ạch. Một ngành công nghiệp “sống tầm gửi” vào gia công, lắp ráp, rốt cuộc chỉ là lấy công làm lãi không thể tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngay cả với các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra trong lĩnh vực xuất khẩu thu về hàng chục tỷ USD như dệt may, da giày, thì cứ 10 đồng giá trị tạo ra được cũng chỉ giữ lại có 1,5 đồng, còn lại “rơi” vào túi doanh nghiệp nước ngoài. Trong 11 tháng năm 2012, nước ta xuất khẩu đạt tới 104 tỷ USD, con số đáng mừng trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, đằng sau con số này là xuất khẩu hàng gia công, nguyên liệu, tài nguyên, còn hàm lượng giá trị gia tăng lại giảm. Hơn thế, rất nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, nhưng cái mà công nghiệp thu được cũng chỉ là gia công đơn giản.

Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, một đại biểu thẳng thắn nói, ở nước ta nhìn đâu cũng thấy lợi thế, tiềm năng trong nhiều lĩnh vực. Vậy mà năng lực cạnh tranh vẫn yếu kém, tụt hạng, chiếc chìa khóa khoa học công nghệ thì “hoen gỉ”. Lâu nay thường nghe nói nước ta có lợi thế người đi sau, tận dụng cơ hội đi tắt đón đầu. Không hiểu “đi tắt” kiểu gì mà sức cạnh tranh vẫn yếu đến thế.