Sữa tăng giá ngoài tầm kiểm soát

ANTĐ - Chưa bao giờ giá sữa tại Việt Nam lại tăng nhiều như bây giờ, đó là than vãn của không ít bà nội trợ trước tình trạng giá sữa liên tục tăng trong những tháng đầu năm này.

Các biện pháp quản lý giá sữa chưa hiệu quả

Giá sữa đang bị thả nổi?

Chị Nguyễn Thị Hà (Đại Mỗ - Từ Liêm) đang nuôi con nhỏ hơn 2 tuổi. Cháu bé chỉ uống sữa bột thêm vào các buổi tối nhưng cũng “ngốn” của mẹ 2 hộp Enfamil A+/tháng. Giá sữa tăng chóng mặt khiến chị Hà rất lo lắng. Theo chị Hà, chưa thấy giá sữa tăng nhiều như bây giờ, lần gần đây nhất, mỗi hộp sữa 900g đã tăng thêm 40.000 đồng, gấp đôi, gấp ba lần những đợt tăng giá trước.

Theo thông báo của các hãng sữa, mỗi đợt tăng chỉ dao động từ 5-10% so với mức giá cũ. Tuy nhiên, giá trị của mỗi hộp sữa sau mỗi lần tăng là khác nhau, nên mức tăng 5-10%/lần ngày càng lớn, khiến người tiêu dùng bị “móc túi” với mức độ lần sau luôn cao hơn lần trước. “Giá sữa của Việt Nam đang bị thả nổi, thiếu sự kiểm soát và chưa có biện pháp duy trì mức giá phù hợp” - anh Nam (nhân viên văn phòng trên phố Trung Kính - Cầu Giấy) nhận xét.

Bộ Tài chính cho biết, 3 tháng đầu năm nay, thị trường sữa Việt Nam có nhiều biến động với 3 lần tăng giá, mức tăng trung bình từ 5-10% (tháng 1 có Công ty MeadjohnsonNutrition Việt Nam, hãng sữa Dumex; tháng 2 có Công ty CP sữa Việt Nam; tháng 3 có Công ty Friesland Campina Việt Nam, hãng sữa Abbot và sữa Nutifood). Nguyên nhân tăng giá là do các hãng sữa thay đổi mẫu mã bao bì và chi phí đầu vào tăng.

Hiện nay nhiều sản phẩm sau khi hết thời hạn đăng ký theo quy định đã đăng ký lại sản phẩm sữa công thức với tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng (như Anfalac A+ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi), thức ăn công thức dinh dưỡng (Lactogen Gold 2 dành cho trẻ em từ 6-12 tháng tuổi), sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt (Pedia Sure dành cho trẻ từ 1-10 tuổi), thực phẩm bổ sung (Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi) gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý giá và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. 

Khó quản lý bằng biện pháp hành chính

Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa. Trên cơ sở tiêu chuẩn này, nhiều sản phẩm trước đây được ghi là sữa và đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính đã được doanh nghiệp điều chỉnh tên gọi và đăng ký với tên gọi mới như thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3180/BTC-QLG gửi Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa hay thức ăn công thức trong năm 2011, 2012 và từ đầu năm 2013 đến nay để làm cơ sở theo dõi và đối chiếu trong công tác quản lý giá.

Cục Quản lý Giá cũng đề nghị Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở thực tế quản lý tại địa phương đề xuất, kiến nghị các biện pháp phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết giá; yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Anh Nam cho rằng, các biện pháp mà cơ quan quản lý thực hiện từ trước tới nay để phản hồi lại bức xúc của người tiêu dùng là mệnh lệnh hành chính, chưa hiệu quả nên người tiêu dùng chưa có hy vọng được bảo vệ quyền lợi.