Sửa Luật Đấu thầu: Cần quy định rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn...

Tránh tuỳ tiện khi lựa chọn nhà thầu

Trong phiên họp sáng 7-11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội thống nhất với những quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 10 dự thảo Luật, ngoài ra, đề nghị rà soát quy định cụ thể các ưu đãi, không quy định chung chung dẫn đến khó áp dụng trong thực tế hoặc tùy nghi áp dụng.

Về hành vi cấm, Dự thảo Luật quy định 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu, Ủy ban TCNS nhận thấy, các hành vi bị cấm chủ yếu quy định đối với nhà thầu; các hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng ít được quy định; trong khi dự thảo Luật đã bổ sung một điều mới về đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 18) và sửa đổi, bổ sung cơ bản quy định về hủy thầu (Điều 17) với việc trao nhiều quyền hạn cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư.

Do đó, đề nghị rà soát các hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng: nhóm hành vi cấm chung, nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Ủy ban TCNS đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, vì trên thực tế việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu.

Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, với đấu thầu hạn chế (Điều 20) đề nghị làm rõ nội hàm “yêu cầu cao và tính đặc thù”, để tránh tùy tiện và lạm dụng khi thực hiện.

Đánh giá toàn diện bất cập trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế

Đối với chỉ định thầu, Dự thảo Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu. Dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Theo Uỷ ban TCNS, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.

Do vậy, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù: Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; Các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.

Tại điểm b khoản 1 dự thảo Luật quy định “gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân” đề nghị làm rõ là trong trường hợp đã công bố dịch hay tình trạng khẩn cấp về dịch theo pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm thuận lợi cho quá trình áp dụng.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban TCNS cho rằng, việc bổ sung vào dự thảo Luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, luật hóa các quy định để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Về đấu thầu trước, Dự thảo Luật cho phép trường hợp cần thiết có thể thực hiện một hoặc một số công việc lựa chọn nhà thầu trước khi có quyết định phê duyệt dự án. Đây là quy định mới nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Uỷ ban TCNS đề nghị rà soát kỹ các trường hợp được đấu thầu trước, giới hạn, phạm vi và điều kiện thực hiện; đồng thời, đánh giá kỹ tác động…

Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Uỷ ban TCNS đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.