Sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật

ANTD.VN - Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS). Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, không nên vì áp lực thời gian mà bỏ qua chất lượng.

Về phạm vi các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, đa số ĐBQH tán thành quy định của BLHS năm 2015 là một số tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy vậy, có ý kiến đề nghị giữ lại phạm vi đã quy định trong BLHS năm 1999 mà không liệt kê một số tội phạm cụ thể như BLHS năm 2015. Quy định này bảo đảm tính công bằng trong xử lý tội phạm, đồng thời xử lý được hành vi của người đã thành niên đồng phạm với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội trong một số trường hợp cụ thể.

Liên quan đến nội dung xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự, nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt buộc giám định về hàm lượng ma túy tinh chất là không phù hợp và chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Bởi cùng là hành vi phạm tội về ma túy, nhưng có điều khoản chỉ tính theo khối lượng ma túy thu giữ được, nhưng có khoản lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất rút ra được từ số ma túy đó. 

Mặt khác, hiện nay số vụ án liên quan đến buôn bán trái phép chất ma túy không thu được tang vật ở nước ta chiếm khoảng 20% trên tổng số án thụ lý. Mặc dù không thu được ma túy, nhưng trong quá trình đấu tranh với đối tượng, khai thác người làm chứng… các cơ quan tố tụng vẫn có đầy đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng. Nếu bắt buộc giám định hàm lượng tinh chất thì rất khó truy cứu các trường hợp này. 

Bên cạnh đó, một số ĐBQH đề nghị cần xử lý nghiêm đối với tội phạm liên quan đến môi trường gây hậu quả lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng bằng cách tăng mức phạt tù và phạt tiền. Như với tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, hình phạt cao nhất là 2 tỷ đồng và 7 năm tù là quá nhẹ, làm tăng nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác của các nước công nghiệp.

Liên quan đến vấn đề vệ sinh ATTP, có đại biểu cho rằng, lương thực, thực phẩm là hàng giả, hàng nhái rất nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng nhưng hình phạt đối với người sản xuất chỉ là 2-5 năm tù là quá nhẹ.