Sự thật về việc khai tử mẹ để chiếm đoạt tài sản

ANTĐ -Mấy ngày qua người dân ở phường 14, quận 6, TP. HCM không khỏi bàn tán và tỏ ra phẫn nộ chuyện một người con trai đã đang tâm “khai tử” chính mẹ ruột đang còn sống của mình để chiếm đoạt quyền đồng thừa kế tài sản...

Mấy ngày qua người dân ở phường 14, quận 6, TP. HCM không khỏi bàn tán và tỏ ra phẫn nộ chuyện một người con trai đã đang tâm “khai tử” chính mẹ ruột đang còn sống của mình để chiếm đoạt quyền đồng thừa kế tài sản là ba căn nhà do ông bà ngoại để lại, ngoài ra người con trai này còn tìm cách chiếm luôn căn nhà của người mẹ tạo dựng lên từ lâu… Đằng sau câu chuyện hi hữu này là rất nhiều điều muốn nói…

Lòng tham xóa nhòa tình ruột thịt

Câu chuyện này vỡ lở ra bắt đầu từ việc cụ Nguyễn Thị Ngọc (SN 1926) - chủ hộ nhà số 70 Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6 muốn bán căn nhà đang ở này (cụ Ngọc đang ở cùng gia đình người con trai thứ hai là ông Nguyễn Văn Tư), tuy nhiên ông Nguyễn Văn Tư (SN 1954) không đồng ý và có nhiều biểu hiện bất minh nên cụ đã kiện ra Tòa án nhân dân quận 6 để đòi lại căn nhà này. Trong thời gian thu thập, tìm kiếm giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu nhà đất của mình, cụ Ngọc mới biết về một giấy “ủy quyền - bán nhà” của mình cho con trai nhưng chính cụ cũng không hề hay biết về tờ giấy này, đặc biệt cụ Ngọc tá hỏa khi biết mình đã bị chính con trai “khai tử” từ năm 1992. Từ đây đã có biết bao nhiêu hệ lụy xảy ra.

 

 Sau khi nghiên cứu, xem xét tất cả các tình tiết liên quan, Tòa án nhân dân quận 6 đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu của cụ Ngọc đòi lại căn nhà số 70 Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6 và gia đình vợ chồng ông Nguyễn Văn Tư và các con phải có trách nhiệm giao trả căn nhà này cho cụ Ngọc trong vòng 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực (theo bản án ngày 16-11-2011)...

Ngay sau đó, ông Tư đã kháng cáo và đầu tháng 3-2012 Tòa án nhân dân TP. HCM xét xử phúc thẩm vụ việc. Và không thể tin được cơ quan này đã bất ngờ bác bỏ kết luận tuyên xử của Tòa án nhân dân quận 6 và tuyên căn nhà số 70 Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6 thuộc chủ quyền của ông Nguyễn Văn Tư.

Điều đáng buồn là ngay ngày hôm sau khi Tòa án nhân dân quận 6 xử thắng kiện, thì cụ Ngọc đã bị con mình đuổi ra khỏi căn nhà của mình (70 Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6) và phải vào ở cùng gia đình nhà người con trai lớn -Nguyễn Văn Rớt (SN 1947). Cụ Ngọc lắc đầu bảo: “Hồi đó tới giờ nó (ông Nguyễn Văn Tư) muốn làm gì là tự ý nó làm mà không hề nói với tôi tiếng nào cả, nhưng nhà đất của tôi đang ở không có lý nào tôi lại đi bán cho nó, hơn nữa tôi có tới ba đứa con, làm sao tôi chỉ cho một mình nó được”. Cụ Ngọc còn cho biết rằng bình thường nếu ông Tư đồng ý để cụ bán nhà có lẽ chưa biết đến bao giờ cụ mới biết sự thật rằng mình đã bị khai tử từ lâu.

Chuyện kiện tụng xung quanh căn nhà 70 Tân Hòa Đông chưa ngã ngũ, thì cụ Ngọc lại phải làm cái việc mà cụ không hề muốn là gửi đơn tố cáo (ký ngày 9-2-2011) ông Nguyễn Văn Tư về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả mạo tài liệu cơ quan Nhà nước đến các cơ quan chức năng của quận 6, trong đó đặc biệt nhất chính là tờ giấy khai tử người mẹ vẫn còn đang sống...

Ngày 14-10-2010, ông Tư đã đi cùng cụ Liễu đến Phòng Công chứng số 7 TP.HCM để khai và ký tên vào “Văn bản đề nghị nhận thừa kế”. Theo đó, ông Tư và cụ Liễu khai nhận rằng cụ Ngọc đã chết từ năm 1992 và chỉ có duy nhất một người con là ông, trong khi đó thực tế cụ Ngọc còn sống “sờ sờ” và ngoài ông Tư, cụ Ngọc còn hai người con nữa.

Ngoài ra, ông Tư và cụ Liễu còn khẳng định rằng các anh chị em của cụ Ngọc đều độc thân, đã mất và họ cũng không có con cái. Trong khi thực tế cụ Nguyễn Thị Tây có chồng và ba người con (người con lớn đã mất - PV). Tương tự cụ Nguyễn Thị Sáu cũng có chồng và hai người con (người con lớn đã mất -PV).

Chính vì vậy, người được thừa kế lại ba di sản trên chỉ còn cụ Liễu và ông Tư, đúng như lời cam đoan “chắc nịch” của hai người này trong phần cuối của “Văn bản đề nghị nhận thừa kế” rằng đã “khai đúng sự thật về hộ tịch, không bỏ sót người được thừa kế theo quy định của pháp luật; Ngoài chúng tôi (cụ Liễu và ông Tư) ra không còn người thừa kế nào khác; Nếu sai hoặc sau này còn có ai khác khiếu nại và chứng minh được họ là người thừa kế hợp pháp thì chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”... Tuy nhiên điều dễ nhận thấy rằng cụ Liễu đã quá lớn tuổi (SN 1913), nếu cụ này có ý muốn khai man chiếm đoạt cũng không mang lai lợi ích gì cho cụ. Vì thế trong chuyện này ai được lợi đã quá rõ ràng.

Cần có chế tài xử phạt thật nghiêm

Liên quan đến tờ Giấy chứng tử cụ Ngọc đã chết từ năm 1992, con gái cụ Ngọc là Nguyễn Thị Bông đã làm đơn gửi đến UBND phường xin trích lục giấy khai tử của mẹ mình mất ngày 26-2-1992 nhưng UBND phường đã có Công văn số 543/UBND ngày 22-10-2011 trả lời là “không tìm thấy tên Nguyễn Thị Ngọc trong sổ bộ khai tử năm 1992”. Chuyện này cho thấy, rất có thể đã có sự cố ý làm giả mạo giấy chứng tử để lừa đảo nhằm chiếm đoạt quyền thừa kế nhà đất như đã đề cập bên trên.

 

Được biết, thời gian qua tình trạng vì không muốn phải chia di sản thừa kế, một số người đã cố tình khai thiếu, thậm chí đang tâm “khai tử” chính người thân ruột thịt của mình khi làm thủ tục khai nhận di sản (KNDS) không phải hiếm. Theo một công chứng viên (CCV) thì CCV chỉ có thể kiểm tra giấy chứng tử của người để lại di sản, tài sản sở hữu có đúng là của người chết hay không, những người đến KNDS có thật sự là người thuộc hàng thừa kế theo pháp luât (gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con ruột, con nuôi) hay không. Còn chuyện những người đến khai nhận có khai đầy đủ số lượng người thuộc hàng thừa kế hay giấu bớt thì CCV khó kiểm tra hết được.

Vì thế vấn đề đặt ra là cần phải có chế tài xử phạt thật nghiêm đối với các vi phạm trong công chứng, chứng thực mới hạn chế được tình trạng gian dối khi KNDS - nguyên nhân của các vụ tranh chấp tài sản phức tạp, kéo dài đang phải nhờ Tòa án xem xét giải quyết. Theo một luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM, trường hợp đương sự sử dụng giấy tờ giả (chứng tử giả) để chứng minh người đồng thừa kế khác đã chết thì còn có dấu hiệu hình sự, cơ quan công chứng phải có trách nhiệm chuyển cho cơ quan điều tra xử lý.

Trao đổi với phóng viên CSTC, đại diện lãnh đạo UBND phường 14, quận 6, khẳng định, UBND phường không hề cấp bản chính cũng như bản sao giấy chứng tử nào mang tên cụ Nguyễn Thị Ngọc. Còn lý do vì sao có tờ giấy đó, do ai làm giả hãy để cho các cơ quan chức năng làm rõ và đưa ra hình thức xử lý. Tuy nhiên, người này cho biết thêm một thông tin vào ngày 8-7-2010, UBND phường 14 có cấp bản sao giấy chứng tử cho một người tên Nguyễn Văn Sớm, chết ngày 26-2-1992. Giấy chứng tử giả của cụ Ngọc có nhiều điểm trùng với giấy chứng tử thật của ông Sớm như trùng ngày tháng năm chết, có cùng số chứng tử và số quyển. Đây là việc lạ lùng chưa bao giờ xảy ra. Do vậy, ngay sau đó, UBND phường 14 đã báo cáo UBND quận 6 và gửi văn bản đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 6 làm rõ vì sao ông Nguyễn Văn Tư lại có giấy chứng tử mang tên cụ Ngọc.

 Luật sư Đàm Bảo Hoàng - Văn phòng Luật sư Đàm Bảo Hoàng, Đoàn Luật sư TP.HCH, cho rằng:

“Với việc UBND phường 14 khẳng định không cấp bản chính và bản sao giấy chứng tử của cụ Ngọc, cho thấy có nhiều khả năng đương sự đã làm giả giấy chứng tử này để hưởng quyền thừa kế di sản, việc này có thể khép vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ở đây đương sự đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác, trong đó giấy chứng tử giả, đồng thời việc khai báo không đúng sự thật như ông Tư khai mình là con duy nhất của cụ Ngọc và những người chị khác của cụ Ngọc đều đã mất và không con cái, là những thủ đoạn gian dối; và kết quả của thủ đoạn đó là ông đã đi khai nhận thừa kế và được phòng công chứng xác nhận. Chính từ văn bản được công chứng này, ông Tư đã chuyển được chủ quyền nhà đất qua tên của ông và sau đó ông Tư còn sang tên cho con cái của ông. Theo tôi hành vi lừa đảo này đã hoàn tất”.

Ông Nguyên Mạnh Cường, Trưởng phòng Công chứng số 7 TP.HCH cho biết:

Cách đây mấy tháng cụ Ngọc có tới Phòng Công chứng số 7 để xin sao lục hồ sơ khai di sản thừa kế thì mới biết sự việc. Ở đây rõ ràng gia đình họ đã cố ý làm giả giấy chứng tử để KNDS thừa kế. Nhưng trình tự thủ tục niêm yết công khai 30 ngày ở UBND phường 14 và sau đó công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản khá chặt chẽ, do đó chuyện đương sự cố tình khai sai sự thật, làm giả giấy tờ rất khó cho CCV phát hiện nên không thể quy trách nhiệm cho CCV. Trường hợp này bà Ngọc có quyền gửi đơn ra tòa đề nghị hủy văn bản đó.

Công chứng viên Lê Thu Hà (Phòng Công chứng số 7) - người thụ lý công chứng văn bản nhận thừa kế của cụ Liễu và ông Tư - giãi bày, với trách nhiệm của một CCV bà đã làm đúng trình tự thủ tục thông báo niêm yết và công chứng vụ việc của hai người này. Và cũng do hai người này đều đã lớn tuổi, đặc biệt là cụ Liễu không biết đọc nên CCV đã yêu cầu phải có người làm chứng, đồng thời CCV đã hỏi rất kỹ quan hệ nhân thân theo bản khai và đều được họ xác nhận, cam kết rõ ràng. Sau đó CCV còn so sánh mẫu chữ ký của ông Phó Chủ tịch UBND phường 14 trên tờ giấy chứng tử và trên văn bản xác nhận của UBND phường trả lời về việc đã niêm yết văn bản thỏa thuận phân chia di sản, thấy không có dấu hiệu nào khả nghi... vì thế CCV đã công chứng theo đúng luật định.