Sự lãng phí khủng khiếp

ANTD.VN - Vĩnh Phúc đang gây sự chú ý khi thông tin tỉnh này đã chi tới gần 54 tỷ đồng (trong tổng số 65 tỷ đồng các gói thầu mua sắm quà tặng tại tất cả các địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc) mua tặng mỗi hộ gia đình trong tỉnh và đại biểu dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc một bộ ấm chén loang ra trên mặt báo. 

Số tiền này được cho là “lấy từ ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa”. Sự việc đang được thanh tra toàn diện để làm rõ nhưng đã gây bức xúc lớn trong dư luận. Nhiều người “không tin vào mắt mình” khi thấy Vĩnh Phúc chi số tiền rất lớn chỉ để mua ấm chén tặng đại biểu. Có người than: “Sao người ta có thể đùa dai với tiền thuế của dân vậy? Chuyện thật cứ như đùa, nên đưa vào tập truyện “Những người thích đùa” - một tập truyện của nhà văn châm biếm nổi tiếng thế giới Azit Nexin - PV”. Người khác lại cảnh báo, nếu 63 tỉnh, thành phố và mấy chục bộ, ngành trên cả nước mà cùng làm như Vĩnh Phúc thì sự lãng phí sẽ khủng khiếp tới mức nào!? 

Cuối năm 2016, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống thợ mỏ, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc bỏ ra số tiền hơn 70 tỷ đồng làm hơn 1 vạn kỷ niệm chương bằng bạc để làm quà tặng. Sự việc diễn ra trong bối cảnh ngành than đang phải đối mặt với thực trạng giảm sản lượng, việc làm và thu nhập bị giảm sút.

Xót của, nhiều công nhân đã đem bán kỷ niệm chương này cho các cửa hàng vàng bạc lấy số tiền 150.000 - 200.000 đồng/chiếc… Kỷ niệm chương bằng bạc còn bán được, còn thực tế, đa số quà tặng dịp lễ lạt như kỷ niệm chương, biểu trưng, chặn giấy… bằng gỗ, đồng, thủy tinh… phần lớn không có giá trị sử dụng, không có thì thiếu, mang về lại vứt xó, gây ra sự lãng phí rất lớn. 

Trước đó, dự báo tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Theo đó, Chính phủ sẽ cắt 100% lễ động thổ, khởi công, khánh thành. Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đưa ra mệnh lệnh này. Liên tiếp những năm qua, để “thắt lưng buộc bụng”, những thông điệp “tiết kiệm, cắt giảm” đã liên tục được truyền về cơ sở.

Thế nhưng, ở nhiều địa phương, với lý do này lý do kia, người ta vẫn tổ chức lễ lạt hoành tráng, xe cộ nườm nượp, quan khách dập dìu, quà túi to, túi nhỏ… Tỉnh thu ngân sách lớn đã đành, tỉnh nghèo, ngân sách có khi chỉ bằng một quận ở Thủ đô Hà Nội cũng “phải” cố cho “không thua chị, kém em”.

Chưa rõ trong con số 65 tỷ đồng nói trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực chi bao nhiêu? Trong số đã chi, bao nhiêu là từ ngân sách, bao nhiêu từ nguồn xã hội hóa? Việc sử dụng nguồn tiền lớn vào mục đích mua quà tặng như vậy đúng hay sai? Tất cả cần được làm rõ và trả lời trước công luận. Dù vậy, sự việc là một minh chứng rõ nét cho thấy Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí có hiệu lực đã gần được 11 năm nhưng xem ra vẫn chưa “thấm” được bao nhiêu tới cơ sở…