Lãng phí cây cảnh chết khô ở dải phân cách

ANTD.VN - Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục Hà Nội cho biết, từ ngày 1-8 đến hết 31-12-2016, Hà Nội sẽ thực hiện duy tu, duy trì thảm cỏ, cây hoa, cây cảnh… trên địa bàn 12 quận theo 3 mức độ. 

Theo đó, với mức độ 3, chỉ thực hiện duy trì vệ sinh đảm bảo cảnh quan môi trường, nhặt rác sinh hoạt. Việc thực hiện giao cho đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường trên địa bàn, tuyến đường thực hiện.

Công tác cắt cỏ đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông chỉ thực hiện khi có yêu cầu của thành phố tại 14 khu vực, tuyến đường như: Đại lộ Thăng Long lý trình từ km4+900 đến nút giao Hòa Lạc; hai đầu cầu Thăng Long; dải phân cách đường 5 (từ Cầu Chui đến hết địa bàn huyện Gia Lâm); đường 5 kéo dài (từ km3+720 đến km7+650); dải phân cách phía dưới hệ thống đường sắt trên cao…

Những phương án trên có thể hợp lý, tuy nhiên có một vài việc cần xem xét ngay.  

Đó là chuyện hàng ngàn cây nguyệt quế trồng trong dải phân cách trên cầu Thanh trì, đang bị héo khô, bị chết do không được tưới nước, chăm sóc trong thời gian dài, đang bị chặt bỏ. 

Đáng lẽ, những cây nguyệt quế dùng để làm cảnh này, nếu không được dùng ở đây nữa, thì nên đánh chuyển sang khu vực khác có nhu cầu.

Những cây nguyệt quế có giá thị trường không rẻ. Với chiều cao và thân đã cứng cỏi như những cây nguyệt quế ở cầu Thanh trì, giá của chúng sẽ cỡ từ một đến vài trăm ngàn đồng. 

Hàng cây cọ một thời xanh mướt trên cầu vượt qua Quốc lộ 5 cũng ngắc ngoải, chịu chung số phận như hàng cây nguyệt quế trên cầu Thanh trì. 

Ở trên cao, cây được trồng trên đất mà dưới cùng là bê-tông. Ít lâu không tưới, cây sẽ chết khô. 

Thành phố cần rà soát lại những cây đang được trồng ở dải phân cách trên cầu Thanh trì, cầu vượt qua Quốc lộ 5 và nhiều nơi khác nữa, để có phương án đánh chuyển, chăm sóc, đảm bảo cảnh quan, tránh lãng phí.