Sự công tâm quyết định chất lượng phiếu tín nhiệm

ANTĐ - Chiều qua, 13-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Hà Nội) trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội

Nhấn mạnh sự mong chờ của người dân về việc lấy phiếu tín nhiệm (với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn) tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, cử tri Lâm Thắng (phường Thành Công, quận Ba Đình) vẫn có những băn khoăn nhất định về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm. Ông đặt vấn đề: “Thời điểm đã phù hợp chưa khi kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chưa được như mong muốn. Có người, có việc tưởng đã rất rõ nhưng xử lý chưa kiên quyết, triệt để”. Cử tri Lâm Thắng cũng bày tỏ lo lắng, nếu việc lấy phiếu tín nhiệm không được chuẩn bị chu đáo sẽ “dễ dẫn đến kết quả ngược”. Ông nhấn mạnh: “Cần lãnh đạo chặt chẽ việc tổ chức lấy phiếu, không chủ quan, đơn giản, vội vàng ở các khâu, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Cùng mối quan tâm, cử tri Phạm Hồng Cư (phường Liễu Giai) đề nghị Quốc hội và mỗi ĐBQH phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện chức năng giám sát để hỗ trợ cho việc thực hiện tốt hơn Nghị quyết Trung ương 4, đảm bảo cho Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước của nhân dân do nhân dân vì nhân dân. Phản ánh sự quan tâm của dư luận xã hội trong góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh) khẳng định sự đồng tình cao với Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp. Cử tri Phạm Quy đề nghị Đảng phải làm mạnh hơn nữa việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, kiên quyết và xử lý nghiêm những cá nhân đảng viên có vi phạm. Ông nói: “Chúng ta bao dung chứ không bao che”.

Cũng tại cuộc tiếp xúc, cử tri quan tâm nhiều tới các vấn đề liên quan mật thiết tới đời sống dân sinh như xóa độc quyền trong kinh doanh điện; đổi mới giáo dục, sách giáo khoa; sửa đổi Luật Đất đai 2003... Cử tri Phạm Quy nói: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là đúng. Song không nên quy định cho phép thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội bởi dễ xảy ra tình trạng thu hồi tràn lan, trong khi đất canh tác đang ngày càng thu hẹp...”.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của cử tri quận Ba Đình. Cử tri đã nêu những vấn đề lớn của đất nước, vừa cấp bách, vừa có tính thời sự. Thay mặt các ĐBQH ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư cho biết, sẽ phản ánh đầy đủ các ý kiến của cử tri tới diễn đàn Quốc hội.

Trao đổi thêm về một số vấn đề cử tri quan tâm, Tổng Bí thư cho biết, trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc có những ý kiến khác nhau là đương nhiên. Quốc hội sẽ nghe báo cáo làm rõ những vấn đề đã tiếp thu, giải trình. Tổng Bí thư cũng trao đổi về quy trình, cơ chế bầu để cử tri hiểu rõ hơn về kết quả Hội nghị Trung ương 7 vừa qua. Liên quan tới dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Tổng Bí thư cho biết, tuyệt đại đa số ý kiến đóng góp đồng tình với quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Việc xem xét sửa đổi Luật Đất đai sẽ được tiến hành song song và chặt chẽ với sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Xung quanh những băn khoăn về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tới, Tổng Bí thư cho biết, lấy phiếu là để thăm dò hàng năm, xem tín nhiệm của cán bộ cao hay thấp, còn bỏ phiếu tức là xem xét có bãi nhiệm hay không. Lần này, Quốc hội sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Vấn đề là phải đảm bảo kết quả lấy phiếu chính xác. Ở đây, trách nhiệm của các ĐBQH rất lớn, song trước hết, các ĐBQH cũng phải có đủ thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm. Bên cạnh trình độ, bản lĩnh, ĐBQH phải luôn trong sáng, công tâm, khách quan, thể hiện ý kiến chính xác để đảm bảo chất lượng phiếu tín nhiệm. Mặt khác việc lấy phiếu tín nhiệm, để đánh giá đúng cán bộ, còn phải xem xét qua thực tiễn quá trình công tác, qua sự giám sát của Quốc hội và nhân dân.