Sự cố thang máy nhà chung cư (2)

Sự cố thang máy: Tại cả đôi bên

ANTĐ - Trước tình trạng tai nạn thang máy xảy ra ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng người ta mới đi tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đáng buồn ở chỗ, lý do không chỉ thuộc về lỗi của thiết bị mà còn do sự thiếu ý thức của người sử dụng…

Cần bảo dưỡng thang máy định kỳ


Thiết bị kém chất lượng do bị “ăn bớt”?

Sau sự cố tai nạn thang máy vừa xảy ra ở chung cư CT3 Constrexim Cầu Giấy, Hà Nội, khiến ông Nguyễn Văn Hòa (ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ) tử vong tại chỗ, một số người có hiểu biết về thang máy cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn nhưng trước hết phải xem lại về công tác cứu hộ khi thang máy gặp sự cố. Theo nguyên tắc, doanh nghiệp cung cấp thang máy phải có trách nhiệm hướng dẫn nhân viên quản lý thang máy thực hiện các thao tác cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Song trên thực tế dường như vấn đề này vẫn chưa được coi trọng. Do thang máy là một thiết bị máy móc hiện đại nên chỉ cần một lỗi nhỏ ở bộ phận điều khiển như chập mạch, bụi bẩn ở bộ phận điều khiển hoặc có chướng ngại vật trong thanh ray cũng khiến cửa thang máy không thể đóng được hoặc mở ra bất ngờ trong khi đang vận hành.

Theo ông Nguyễn Đình Trọng, kỹ sư lắp máy - người có kinh nghiệm trong lĩnh vực lắp đặt thang máy: “Thang máy theo đúng tiêu chuẩn có hệ thống mạch an toàn rất phức tạp và phòng ngừa được nhiều tình huống mất an toàn. Khi an toàn cho hành khách đi thang máy có vấn đề, lập tức thang sẽ ngừng vận hành, hệ thống phanh cho cabin ngừng ngay lập tức khi vượt quá vận tốc định mức cho phép. Song đối với những loại thang máy rẻ tiền hoặc tự lắp ráp của Việt Nam thì mạch rất sơ sài nên khả năng phòng ngừa các tình huống mất an toàn rất hạn chế. Đa số thang hiện nay chỉ có phanh chống vượt tốc phía dưới chứ không có phanh chống vượt tốc phía trên. Do vậy, tình trạng vượt tốc cabin sẽ không được chẩn đoán chính xác nên nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn.

Hiện giá một thang máy nhập khẩu loại tốt dùng cho 11 tầng là trên 1 tỷ đồng, song nhiều đơn vị lắp đặt thang máy với mức giá chỉ bằng một nửa. Tiền giảm, chất lượng thang máy đương nhiên cũng bị giảm theo. Khi thiết bị thang máy tốt nhưng chất lượng bảo trì kém cũng là nguyên nhân gây mất an toàn cho người sử dụng. Đáng nói là hiện có không ít tòa nhà không tiến hành bảo dưỡng thang máy theo định kỳ mà chỉ khi xảy ra hỏng hóc mới gọi người đến sửa chữa. Điều này sẽ gây tốn kém về chi phí, một số thợ sửa chữa không đủ trình độ hoặc làm ẩu đã đấu tắt, bỏ qua các mạch an toàn để lấy tiền... Do vậy, thang máy dù hoạt động nhưng hệ thống an toàn không chạy thì tai nạn xảy ra là tất yếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến thang máy bị… giảm thọ.

Xây dựng văn hóa xếp hàng khi đợi thang máy


Do ý thức người sử dụng và đơn vị quản lý

Thang máy là loại hình giao thông trục đứng được xếp vào dạng nguy hiểm cao, đòi hỏi mức độ an toàn, tin cậy lớn. Theo quy định, tất cả các thiết bị, linh kiện liên quan đến thang máy đều phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Ý thức và trách nhiệm của đơn vị quản lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự xuống cấp của hệ thống thang máy. Bên cạnh đó, công tác cứu hộ, công tác kiểm định an toàn định kỳ phải được thực hiện đúng. Thang máy trước khi được đưa vào sử dụng phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn. Định kỳ phải có các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành kiểm tra, bảo trì tối thiểu một lần/tháng. Để tránh sự cố, nhà đầu tư phải lựa chọn kỹ càng những nhà cung ứng, xuất xứ, linh kiện và đội ngũ kỹ thuật lắp ráp. Để đảm bảo an toàn, bên cung cấp có trách nhiệm bảo hành thang máy từ 1 năm đến 1,5 năm kể từ ngày bàn giao cho chủ đầu tư.

Thang máy nhanh hỏng là do sự thiếu ý thức của người sử dụng và sự trây ỳ trong việc đóng tiền bảo trì thang máy. Mặc dù ở những tòa nhà cao tầng, thang máy là phương tiện đi lại không thể thiếu và rất cần thiết trong việc di chuyển từ tầng này đến tầng khác, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp hình ảnh những người cười nói ồn ào ngay bên trong thang máy. Việc đùa giỡn, vận động mạnh trong thang máy rất nguy hiểm đối với những người đi cùng. Cũng có không ít trường hợp khi thang máy báo quá tải, hầu như không ai chịu tự giác bước ra bởi ai cũng cho mình cái quyền đi trước. Văn hóa xếp hàng khi đợi thang máy của người Việt Nam cũng là vấn đề đáng bàn. Nếu như những người nước ngoài khi đợi thang máy, họ luôn đứng trước cửa thang máy nhưng đứng về phía bên phải để tránh cho người bên trong bước ra chạm phải, ai đến sau phải xếp hàng theo thứ tự. Nhưng ở nước ta, khi người bên trong chưa bước ra, người bên ngoài đã lao vào, tạo ra cảnh tượng lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Nhiều trường hợp, đi từ tầng trệt lên tầng 1 cũng bấm thang máy. Không ít bạn trẻ cứ vào thang máy nhấn nút tất cả các tầng rồi vô tư đứng… hút thuốc.

Ông Lương Văn Hữu - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ & Khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội) chia sẻ: “Thang máy nhanh xuống cấp là do sự thiếu ý thức của người dân. Nhiều người sử dụng thang máy như một đồ vật để dỗ trẻ con ăn, thậm chí còn biến nơi này thành… nhà vệ sinh công cộng. Họ vẽ bậy, bóc các thiết bị trên bảng điều khiển, ấn nút bừa bãi, vô tội vạ, dùng mọi vật có thể để chặn cửa thang máy, chở đồ quá tải, thậm chí còn mang trộm cả bình gas vào trong thang máy, gây mất an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ. Thử hỏi với cách dùng như phá thế này thì thang máy nào chịu được ?”.

Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Thang máy cũng như xe ô tô cần phải kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Do hoạt động của thang máy gắn liền với sự an toàn của con người, đòi hỏi mức độ an toàn, tin cậy cao nên việc kiểm tra định kỳ, để phát hiện lỗi, dù rất nhỏ cũng rất quan trọng. Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm tra thang máy, nhưng kiểm tra như thế nào, ai kiểm tra, ai xử lý thì chưa được quy định cụ thể”.