Sự chậm trễ gây khó

ANTĐ - Khai thác cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên trong thềm lục địa ngày càng trở nên quan trọng với các quốc gia có bờ biển song điều này đang gặp khó do sự chậm trễ của cơ quan LHQ chuyên trách về vấn đề thềm lục địa.

Các quốc gia có quyền thăm dò - khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên trong vùng thềm lục địa của mình

Lên tiếng tại Hội nghị lần thứ 22 của các bên tham gia Công ước năm 1982 của LHQ về luật biển (UNCLOS) diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 6-6, đại diện các quốc gia cùng quan chức của Uỷ ban LHQ về giới hạn thềm lục địa (CLCS) đã cùng đề cập tới việc chậm xử lý những kiến nghị về thềm lục địa mà các thành viên UNCLOS đệ trình lên CLCS. Sự chậm trễ này đã gây khó khăn cho các nước trong việc quản lý ổn định những khu vực biển cũng như phát triển và khai thác các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế.
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên các thành viên UNCLOS phàn nàn về tiến độ giải quyết kiến nghị về thềm lục địa mà họ đã đệ trình lên CLCS. Cách đây 1 năm, tại hội nghị lần thứ 21, các thành viên UNCLOS đã phải cảnh báo về vấn đề này.
Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc xử lý kiến nghị về thềm lục địa của các nước thành viên UNCLOS không hẳn là do CLCS. Tiến độ xử lý chậm chủ yếu là do khối lượng công việc mà CLCS phải giải quyết quá lớn trong khi bộ máy của Uỷ ban này lại không tương xứng.
Theo UNCLOS, thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý. Trong trường hợp khi rìa ngoài thềm lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên hơn 200 hải lý, quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính với điều kiện tuân thủ các quy định về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong UNCLOS và phù hợp với các kiến nghị của CLCS.
Điều đó có nghĩa là quốc gia ven biển phải trình cho CLCS báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Sau đó, CLCS sẽ xem xét, ra khuyến nghị.
Việc CLCS ra khuyến nghị với kiến nghị của các quốc gia rất quan trọng và không kém phần nhạy cảm, bởi UNCLOS quy định các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thềm lục địa của mình. Hiện nhiều quốc gia ven biển đang khai thác dầu khí cũng như các nguồn tài nguyên khác để phục vụ phát triển đất nước. 
Để được "dấu chứng nhận" của CLCS, 69 quốc gia thành viên UNCLOS đã đáp ứng được thời hạn chót để trình hơn 120 báo cáo xác định các đường ranh giới thềm lục địa quá 200 hải lý lên CLCS. Đây là con số vượt xa mọi dự tính khiến CLCS trở nên quá tải.

Việt Nam trình báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa lên LHQ

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của CLCS trong 2 ngày 27 và 28-8-2009 ở New York (Mỹ), đại diện Chính phủ Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông. Cũng tại phiên họp này, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam và Malaysia còn trình bày Báo cáo chung Việt Nam - Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông. 
Phát biểu tại phiên trình bày, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện báo cáo theo đúng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và khoa học của CLCS. Trưởng đoàn Việt Nam đồng thời khẳng định việc xây dựng và đệ trình báo cáo của Việt Nam lên ủy ban là phù hợp với UNCLOS, không ảnh hưởng đến vấn đề phân định biển và lập trường của các nước liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết mọi bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và DOC.