Sông Gâm nước chảy vẫn không quên nguồn

ANTĐ - Từ hơn 600 học viên của 2 khóa Đào tạo I và II trường Công an Trung ương (1953-1954), đến nay anh chị em chúng tôi chỉ còn hơn 170 người ở 23 tỉnh, thành phố, đều đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy.
Sông Gâm nước chảy vẫn không quên nguồn  ảnh 1
Cựu học viên 2 khóa đào tạo I-II về thăm địa danh trường Công an Trung ương (1953-1954) 
ở xã Xuân Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang


Gặp nhau giữa núi rừng

Chúng tôi xuất thân từ số công an trẻ ở Bộ và các tỉnh, công an cơ sở xã, nhân viên Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng, học sinh trường phổ thông Hàn Thuyên, Lương Ngọc Quyến, Ngô Quyền tỉnh Thái Nguyên, thanh niên dân tộc ít người, từ Nam Trung bộ, Tây Nguyên đến Tây Bắc và Việt Bắc… Các học viên nhập học chủ yếu đi bộ, có người đi bộ gần 2 tháng mới tới trạm đón tiếp rồi vào địa điểm chính của trường đặt ở cánh rừng già bên bờ sông Gâm thuộc địa bàn Phai Cống, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, với mật danh: Trại chăn nuôi số 1.

Những học viên đến sớm đã tổ chức đi lấy gỗ, tre, nứa, lá làm lán trại để ở, học và sinh hoạt. Cuộc sống vật chất lúc đó rất thiếu thốn, học viên lĩnh cơm bằng rổ rá. Canh, nước uống đựng trong ống bương chặt vát. Thức ăn chủ yếu là rau rừng và số rau muống tự trồng. Mỗi tháng trường cố gắng lo cho vài bữa có thịt, có thời kỳ 4 lạng gạo không nở cho mỗi người, với tuổi trẻ, bữa chính coi như lót dạ, độn rau không no, phải tranh thủ lúc nghỉ bơi qua sông Gâm hoặc đi vào bản gần đó mua sắn, khoai, ngô, rau quả để bổ sung cho đỡ đói. Ngày nghỉ phân công nhau trèo đèo, lội suối khoảng 5-6 km để lĩnh gạo. Nước dùng để ăn uống, sinh hoạt, tắm giặt… lấy từ sông Gâm. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhiều đêm rét lạnh, nằm nhà nứa lá phên tre với chiếc chăn đơn mỏng manh hoặc chiếc chiếu để đắp.

Gian khổ như thế, nhưng khi tiếng kẻng báo thức, tất cả đều khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nội quy của trường, không kêu ca phàn nàn, khắc phục khó khăn, nỗ lực học tập. Ban ngày nghe giảng, hầu như các buổi tối đều sinh hoạt, thảo luận ở tổ. Những anh chị em đã qua thực tế công tác trao đổi nhận thức, kinh nghiệm cho nhau, nhất là với chúng tôi, số học sinh mới hơn 16-17 tuổi, từ bài giảng, đến việc rèn luyện về đạo đức phẩm chất, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc, để sau này ra trường phục vụ tốt cho kháng chiến. 

Đời sống vật chất tuy thiếu thốn nhiều, song sinh hoạt tinh thần vẫn sôi nổi, viết bích báo, hát hò, những vở kịch tự biên, nghe nói chuyện thời sự, nghe đài. Thỉnh thoảng trường tổ chức chiếu phim, chủ yếu là phim nước ngoài. Hồi đó giáo viên chủ chốt gồm các đồng chí Đặng Côn, Tô Lân, Quách Quý Hợi… và một số đồng chí ở khóa I được chọn bổ sung làm giáo vụ gồm Phạm Minh, Lê Quang Thành, Đăng Cân, Tạ Văn Việt, Phan Tá, Trần Thế Vinh… Nội dung học phần đầu chủ yếu là về chính trị như huấn thị của Hồ Chủ tịch, Cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, tình hình nhiệm vụ mới, chính sách Mặt trận, chính sách tôn giáo, dân tộc, đường lối quần chúng… 

Tỏa đi khắp mọi miền

Chương trình của khóa học đáng lẽ kéo dài 18 tháng, nhưng được rút ngắn do tin vui thắng trận trên nhiều chiến trường, đặc biệt là chiến trường vĩ đại Điện Biên Phủ. Cách mạng chuyển sang giai đoạn mới. Đảng và Chính phủ phải lo nhiều việc lớn mà trước tiên là tổ chức tiếp quản các vùng mới giải phóng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng.  

Đoàn về tiếp quản chủ yếu đóng bè mảng vượt thác, ghềnh, đi từ sông Gâm ra sông Lô vào sông Hồng, xuôi về Sơn Tây và được lãnh đạo Công an Hà Nội tổ chức tiếp nhận phân công vào các vùng của Hà Nội, được bố trí xen kẽ với số cán bộ chiến sĩ công an kháng chiến thuộc Ty Công an Hà Nội, phân công chiếm lĩnh vào trụ sở Công an Hà Nội đến các đồn, trạm. 

Số đồng chí được phân công làm công tác trinh sát đã tích cực xây dựng mạng lưới, cơ sở, đi sâu nắm diễn biến hoạt động của các tổ chức phản động, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, đấu tranh chống gián điệp, biệt kích xâm nhập, có đồng chí tham gia trong chuyên án C30.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ giải phóng miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cần chi viện của miền Bắc, nhiều học viên khóa Đào tạo I, II lại được điều về trường học tiếp phục vụ các chiến trường B-C-K, trong đó nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, các đồng chí tiếp tục phát huy vai trò của mình, được giữ những trọng trách lãnh đạo công an tỉnh, quận, huyện, hoặc được điều sang làm công tác ở các cấp ủy Đảng, chính quyền. Số còn lại ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng được giao phụ trách các đơn vị đồn, trạm, trưởng, phó phòng, quận, huyện, nhiều đồng chí là giám đốc, phó giám đốc. Số học viên của hai khóa được điều động về công tác ở Thủ đô Hà Nội là đông nhất, trong đó tiêu biểu các đồng chí từng được giao trọng trách là đồng chí Nguyễn Đình Thành, Giám đốc CATP và đồng chí Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc CATP.

Ở cấp Bộ, nhiều đồng chí được giao làm cục trưởng, cục phó các vụ, tổng cục. Một số đồng chí được giữ lại trường làm giáo viên đã được phong tặng Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, tiêu biểu như cố Phó Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát, cố Thiếu tướng Lê Quang Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học công an, Thiếu tướng Nguyễn Như Hải, Tổng cục phó Tổng cục V. Nhiều đồng chí sau khi nghỉ hưu vẫn phát huy truyền thống, cố gắng tích cực tham gia công tác ở địa phương được đảng viên bầu vào cấp ủy phường, cụm dân cư, nhân dân bầu vào Trưởng ban MTTQ, Chi hội trưởng Người cao tuổi…

Cuộc họp mặt cựu học viên kỷ niệm 60 năm ngày tổ chức 2 khóa Đào tạo I-II được sự quan tâm lớn của lãnh đạo Bộ Công an cùng lãnh đạo các Tổng cục XDLL, Tổng cục Hậu cần, Ban Giám đốc Học viện ANND… là phần thưởng quý báu động viên tất cả chúng tôi. Niềm phấn khởi được đồng chí Phan Bào - Học viên Đào tạo II thể hiện qua mấy câu thơ:

Hôm nay gặp mặt vui cười
Cùng nhau ôn chuyện tình người sáng trong
Với rừng ta chẳng thẹn lòng
Sông Gâm nước chảy vẫn không quên nguồn