Sống độc lập để hòa nhập tốt hơn
(ANTĐ) - Dự án Trung tâm sống độc lập (TTSĐL) của người khuyết tật (NKT) Hà Nội được triển khai cách đây ít hôm, với sự tài trợ của quỹ Nippon Foundation (Nhật Bản) thông qua Tổ chức NKT châu Á - Thái Bình Dương. Ngay sau đó, một khóa tập huấn kéo dài 1 tuần về “sống độc lập” do Tổ chức NKT châu Á - Thái Bình Dương tổ chức cũng vừa kết thúc tại Hà Nội.
Ông Shoji Nakanishi, chủ tịch Hội NKT châu Á - Thái Bình Dương tại buổi tập huấn về sống độc lập |
Những người bạn từ Nhật Bản
Tại đây, hàng chục NKT Việt Nam được gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi kinh nghiệm về phong trào sống độc lập của NKT trên thế giới, sẵn sàng cho hoạt động của TTSĐL đầu tiên tại Việt Nam. Ông Shoji Nakanishi, chủ tịch Hội NKT châu Á - Thái Bình Dương, một người bị khuyết tật nặng do tổn thương cột sống cho biết: Tại Nhật Bản, TTSĐL đầu tiên được thành lập năm 1986 lúc đầu đã thu hút 30 NKT từ khắp Nhật Bản tham dự, tạo ra một sức ảnh hưởng lớn. Đến nay, Hội đồng các TTSĐL Nhật Bản đã có 130 tổ chức thành viên. Các hoạt động tự vận động, tuyên truyền và dịch vụ của mạng lưới này đã tạo một ảnh hưởng lớn đến Chính phủ và các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản.
“Nếu như trước đây, NKT ở Nhật Bản sống tại gia đình hay các trung tâm dành riêng cho họ phải tuân theo những quy định hạn chế dành cho NKT, hưởng sự chăm sóc như với một bệnh nhân, thì nay, họ có thể tự làm những việc mà họ muốn, ăn những món ăn họ thích, vui vẻ và tự tin hòa nhập cộng đồng hơn. Họ nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức trong xã hội để có thể làm được những việc đó”.
Chị Hiro Akiyama, Giám đốc TTSĐL Hino (Tokyo) được thành lập từ năm 1997, chia sẻ: “Đến nay, trung tâm của chúng tôi có trên 50 khách hàng. Chúng tôi coi mỗi NKT là một con người, nhiệm vụ của chúng tôi là giúp họ nhận ra sức mạnh của họ để tự tin hơn, phát huy sức mạnh đó. Họ đã thay đổi rất nhiều và xã hội cũng thay đổi cách nhìn về NKT”.
TTSĐL đầu tiên trên thế giới được ED Robert, một người khuyết tật vận động nặng phải sử dụng máy thở thành lập năm 1972, kể từ đó được nhân rộng khắp Bắc Mỹ và châu Âu. Qua 3 Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về TTSĐL, đến năm 2007 đã quyết định tạo mạng lưới TTSĐL ở các châu lục.
Tại châu Á, kể từ năm 2000, phong trào sống độc lập đã từ Nhật Bản lan sang các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Pakistan. TTSĐL đặc biệt có ảnh hưởng lớn đối với các nạn nhân và các nhân viên cứu trợ động đất năm 2005 ở Pakistan.
Truyền lửa tới Việt Nam
Năm 2008, Tổ chức NKT châu Á - Thái Bình Dương phổ biến khái niệm và nguyên lý sống độc lập tới nhóm Vì tương lai tươi sáng của Hội NKT Hà Nội, chuẩn bị hình thành Dự án TTSĐL của NKT Hà Nội. TTSĐL không phải là một nơi sinh sống. Tại đây, NKT này tuyên truyền và tư vấn cho NKT khác về sống độc lập, khuyến khích họ làm việc và hòa nhập, đồng thời, cung cấp sự trợ giúp tích cực cho NKT.
Trung tâm cũng là một tiếng nói mạnh mẽ để đảm bảo NKT được tiếp cận nhà ở, việc làm, giao thông, giao tiếp, các phương tiện giải trí, dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội một cách bình đẳng. Trong giai đoạn đầu, những NKT nặng như bại não, tổn thương cột sống, bại liệt... sẽ là đối tượng sử dụng dịch vụ của trung tâm.
Một trong những hoạt động quan trọng của trung tâm là tư vấn đồng đẳng, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm về sống độc lập, thông tin về nhà ở, kỹ năng sử dụng người trợ giúp cá nhân, hiểu biết về phương pháp sử dụng các nguồn lực xã hội, tham khảo các việc làm phù hợp... Một hoạt động không kém phần quan trọng để duy trì cuộc sống độc lập của NKT nặng tại cộng đồng là cung cấp người hỗ trợ cá nhân tại gia.
Đây là hoạt động duy nhất của người không khuyết tật tại TTSĐL. Trong thời gian đầu, các tình nguyện viên sẽ trở thành những người hỗ trợ cá nhân, và họ được trả lương để ý thức được trách nhiệm của mình. Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa NKT và người hỗ trợ cá nhân là một cách thức tốt nhằm lập lại mối quan hệ con người mà NKT nặng có một thời gian dài sống cô lập tại các trung tâm bảo trợ hoặc trong gia đình đã quên đi hoặc chưa bao giờ biết tới.
Ông Shoji Nhakanishi cho rằng: “Điều 19 của Công ước về quyền của người khuyết tật đã nói về quyền sống độc lập và hòa nhập cộng đồng của NKT. Với điều kiện kinh tế và sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam với NKT, tôi tin dự án sẽ thành công”. Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Dự án cho biết, mặc dù Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh tế và quỹ phúc lợi cho NKT chưa hẳn cao song chúng tôi sẽ quyết tâm tạo ra một mô hình tốt, tạo ra sức lan tỏa đến cộng đồng.
Hà Loan