Tiếp diễn phiên xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm:

“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như tố ACB bất cẩn

ANTĐ - Hôm qua (23-5), HĐXX tiếp tục tập trung làm rõ hành vi gửi tiền trái luật của Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm. Với lời khai của Huỳnh Thị Huyền Như, có thể thấy, Ngân hàng ACB không chỉ vi phạm pháp luật mà còn cực kỳ bất cẩn trong giao dịch.

Trước tòa, Huỳnh Thị Huyền Như khai ACB quá bất cẩn nên bị lừa

Rõ ràng gửi tiền trái luật 

Mở đầu ngày làm việc hôm qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Điều 106 - Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ 1-1-2011) quy định rõ vấn đề ủy thác chỉ áp dụng đối với việc ủy thác cho vay chứ không áp dụng về tiền gửi. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng ACB không được phép ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi. 

Trước tòa, Lý Xuân Hải – cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cùng hàng loạt cá nhân liên quan tiếp tục thừa nhận chủ trương của HĐQT Ngân hàng ACB giao cho nhân viên mang gần 719 tỷ đồng đi gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – Chi nhánh Nhà Bè và TP Hồ Chí Minh. Việc này sau đó được bị cáo Hải triển khai xuống nhân viên, trong khoảng thời gian từ 27-6 đến 5-9-2011. Liên quan đến việc gửi tiền, Huỳnh Thị Bảo Ngọc (khi ấy là Phó trưởng Phòng Quản lý Quỹ Ngân hàng ACB) khai, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo ngân hàng,bà Ngọc đã liên hệ và thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như - cựu quyền Trưởng phòng giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ về lãi suất theo quy định, lãi suất vượt trần và thời hạn gửi tiền. Tiếp đến, bà Ngọc lấy thông tin cá nhân của các  nhân viên Ngân hàng ACB để cung cấp cho Huyền Như mở tài khoản, đồng thời hướng dẫn nhân viên thực hiện giao dịch theo yêu cầu của lãnh đạo ngân hàng. Bà Ngọc một mực cho rằng mình không làm sai bởi đó đơn thuần chỉ là cung cấp thông tin và về sau các nhân viên trực tiếp đến Vietinbank ký hợp đồng. HĐXX khẳng định ACB chuyển tiền cho Vietinbank trước, rồi mới ký hợp đồng là không đúng quy trình, pháp luật. Tuy nhiên, nhân viên của Ngân hàng ACB vẫn không chịu thừa nhận sai phạm. 

Về nội dung trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định, khi gửi tiền tại ngân hàng, khách hàng là cá nhân phải trực tiếp đến giao dịch, cung cấp thông tin về nhân thân, phải chịu trách nhiệm về thông tin đưa ra, rồi ký hợp đồng và sau cùng mới chuyển tiền.

Lê Vũ Kỳ - cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB
nói về việc thao túng chứng khoán

Không phải tiền của mình nên qua quýt

Nói về các sai phạm của Ngân hàng ACB,  Huỳnh Thị Huyền Như cho rằng chính sự tắc trách, hời hợt của các nhân viên tại ACB đã tạo điều kiện cho Huyền Như “cuỗm” gọn hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, về nguyên tắc khi gửi tiền khách hàng phải sát sao, giám sát mọi hoạt động của nhân viên ngân hàng nhận tiền gửi, thế nhưng các nhân viên của Ngân hàng ACB đã không thực hiện đúng và đầy đủ quy trình.

Cụ thể, bị án Huyền Như cho biết, sau khi đối tượng thỏa thuận và chuẩn bị hồ sơ xong, các nhân viên của Ngân hàng ACB chỉ việc sang ký hợp đồng tiền gửi và không thèm quan tâm đến số tiền của mình sau đó được xử lý như thế nào. “Theo nhận thức của tôi, có lẽ đó không phải là tiền của họ nên họ mới không sát sao” - “siêu lừa” Huyền Như nhận định. Nói về thỏa thuận lãi vượt trần với đại diện Ngân hàng ACB, Huyền Như khai chị ta đã không báo cáo lãnh đạo Vietinbank về việc này, bởi nếu báo cáo, chắc chắn lãnh đạo Vietinbank sẽ không đồng ý vì trái luật. Do đó, chị ta chỉ báo cáo như những khách hàng thông thường khác. Và sau khi nhận tiền gửi của các nhân viên ABC, Huyền Như đã tự bỏ tiền túi ra để trả cho phần lãi vượt trần. Trả lời câu hỏi “cớ sao phải làm vậy”, bị án Huyền Như trình bày vì thời điểm ấy, đối tượng đầu tư chứng khoán, bất động sản bị thua lỗ nặng nên mới “tranh thủ” cơ hội này để lừa đảo. Khai báo rõ hơn về thủ đoạn chiếm đoạt tài sản, Huyền Như cho biết hợp đồng tiền gửi với nhân viên ACB chỉ mang tính nguyên tắc, vì trong đó có điều khoản nêu sau khi nhận tiền gửi, Vietinbank có quyền tự động chuyển số tiền ấy sang hình thức tiết kiệm có kỳ hạn. 

Trước những sai phạm và sơ hở của Ngân hàng ACB, “siêu lừa” Huyền Như đã nhanh chóng giả hồ sơ, chữ ký, đồng thời tráo đổi hồ sơ cá nhân từ hợp đồng tiền gửi sang hình thức tiết kiệm để chuyển tiền gửi của khách hàng thành các sổ tiết kiệm với những kỳ hạn, giá trị khác nhau. Từ đó, cựu quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank) tiếp tục giả mạo chữ ký của khách hàng để rút ra chi tiêu cá nhân. Trước câu hỏi “chị thấy Vietinbank có trách nhiệm gì trong việc này”, Huyền Như cho rằng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam không phải chịu trách nhiệm gì. “Bởi lẽ tiền là do tôi chiếm đoạt, trên cơ sở lỗi của các nhân viên Ngân hàng ACB. Do đó, Vietinbank không liên quan gì đến việc này” - Huỳnh Thị Huyền Như khẳng định.