Sau “làn sóng” vàng

ANTĐ - Gần hai tuần qua, thị trường vàng trong nước “sốt nóng” chưa từng thấy. Thị trường vàng thế giới cũng tăng kỷ lục. Cứ khi nào giá vàng tăng mạnh thì nỗi lo lắng về tỷ giá lại gây xáo động thị trường, giá vàng tăng, lượng người bán tăng theo, có nghĩa là một lượng tiền lớn chảy vào túi nhà đầu tư. Liệu lượng tiền này sẽ chảy vào chứng khoán, bất động sản hay ngoại tệ?

Thì ra không riêng gì Việt Nam, vàng vẫn được cả thế giới “nâng niu, yêu chuộng”. Nhiều tổ chức đầu tư vẫn “ôm” với số lượng lớn. Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR vừa mới mua vào 20 tấn vàng trong một ngày giữa tháng 7. Sau vài ngày lại mua tiếp 11 tấn vàng, dấu hiệu chứng tỏ nhu cầu sẽ còn gia tăng với loại “kim tệ” này. Nếu như giá vàng thế giới vẫn leo cao lên đỉnh mới như dự báo của giới chuyên gia, thì nhu cầu mua vàng trong nước thời gian tới nhiều khả năng sẽ tăng trở lại. Đặc biệt, khi việc nắm giữ vàng của người dân sẽ không bị hạn chế theo dự thảo thông tư quản lý và kinh doanh vàng.

Hơn thế, hiện còn 3 ngân hàng thương mại trước đây đã “trót” dùng vàng huy động, được chuyển đổi thành tiền đồng, để cho vay, lẽ ra phải tất toán theo đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Việc những ngân hàng này buộc phải mua vàng trong thời gian tới chắc chắn sẽ khiến nhu cầu vàng vật chất trong nước còn tăng.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đá quý và vàng đạt hơn 1 tỷ USD. Nguồn cung trong nước bị thiếu hụt, trong khi nhu cầu vàng lại có xu hướng gia tăng trở lại và áp lực lạm phát vẫn chưa giảm vào cuối năm. Cần nhớ là, giá vàng trong nước không chỉ “gắn bó” với giá vàng thế giới mà còn “dính liền” với tỷ giá VND/USD. Theo các chuyên gia, nếu tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng trở lại vào cuối năm vì áp lực nhập siêu, thì giá vàng sẽ chịu tác động mạnh bởi đà tăng kép.

Trong khi ấy, nếu nhu cầu vàng tăng cao mà nguồn cung hàng trong nước giảm mạnh do xuất khẩu mạnh trong thời gian vừa qua, tất yếu sẽ dẫn tới áp lực mua ngoại tệ để nhập khẩu vàng và như vậy sẽ làm cho tỷ giá tăng. Một luồng ý kiến đang tập trung “giải mã”, một lượng tiền lớn chảy vào túi các nhà đầu tư sau khi ồ ạt bán vàng sẽ “rót” vào đâu? Có ý kiến phỏng đoán họ sẽ không “găm” tiền như đã làm với vàng mà sẽ đổ vào thị trường ngoại tệ.

Tuy nhiên khả năng thị trường ngoại tệ nổi “sóng” khó xảy ra, bởi vì kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm 2011 tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái nên lượng ngoại tệ trên thị trường này không khan hiếm như đầu năm. Thị trường chứng khoán vẫn trong tình trạng ảm đạm, dòng vốn đầu tư nhỏ giọt, bên nắm giữ thì lo lắng, còn nhà đầu tư vẫn đứng ngoài nghe ngóng. Như vậy chỉ còn dòng vốn từ thị trường vàng sẽ chảy ào ạt vào thị trường bất động sản. Động thái mới đây của Bộ Xây dựng nhằm “giải cứu” thị trường này với đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho vay “linh hoạt” đối với từng khoản mục bất động sản, thay vì siết chặt tất cả.

Một dự đoán cuối cùng xem ra đáng quan tâm hơn cả là: Sau “làn sóng” vàng vừa qua lại tiếp nối một “cơn sóng” mới. Tuy giá vàng trong nước đã lên đến “đỉnh sóng”, nhưng giá vàng thế giới lại leo lên một “đỉnh” mới và dự báo còn leo tiếp kéo giá vàng Việt Nam tiếp tục “lướt sóng”. Không thể dửng dưng với… vàng bởi giá vàng và tỷ giá như “hình với bóng”.