- Anh bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm sau Brexit
- Tương lai EU "không có Anh"
- Lãnh đạo phe ủng hộ Brexit Nigel Farage tuyên bố từ chức
Sau Brexit, Thủ tướng Đức thường khởi xướng họp các nhà lãnh đạo EU để giải quyết vấn đề phát sinh
Anh rời EU (Brexit) khiến cho Đức không chỉ mất đi một đối tác chiến lược trong khối liên minh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những chính sách đối ngoại đất nước này. Có thể bà Angela Merkel - Thủ tướng Đức, một người nổi tiếng với những chính sách thận trọng, cho rằng việc Thủ tướng Anh David Cameron đưa nước Anh vào “canh bạc may rủi” đó là một hành động “gây sốc” cho EU.
Dù vậy, ông Cameron vẫn được xem như là một đối tác ăn ý của bà Merkel do sự ủng hộ của ông trước chính sách thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính ở Đức mà theo sau đó là khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp. Bên cạnh đó, ông Cameron còn đứng ra ủng hộ chính sách dành do người tị nạn mà bà Merkel đề ra. Không chỉ vậy, ông Cameron cũng cùng các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ý kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir V. Putin dừng hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bên cạnh đóng góp từ cá nhân ông Cameron, Anh là nước có chi phí dành cho quân đội lớn nhất châu Âu bên cạnh một nền kinh tế phát triển và vị thế ngoại giao lớn mạnh trên trường quốc tế nên việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu như một cú giáng mạnh vào nước Đức.
Brexit ảnh hưởng lớn đến Đức còn là do quan hệ của Đức với các nước còn lại trong liên minh không được chặt chẽ. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Pháp và Đức được coi là khá phức tạp. Ngay sau chiến thắng của phe ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung nhận định về tương lai của châu Âu: “Châu Âu cần một người dẫn dắt”, “Trách nhiệm đó cần được Đức và Pháp đảm đương”.
Tuy vậy, với Đức, việc hợp tác với Pháp khá khó khăn do Tổng thống Pháp François Hollande đang mất dần tín nhiệm. Ông Hollande đang đứng trước áp lực phải củng cố tín nhiệm cũng như tranh cử Tổng thống vào năm sau, điều này khiến ông khó có thể đảm đương được trách nhiệm dẫn dắt châu Âu. Ngoài ra, nền kinh tế yếu kém cũng là một nguyên do khiến cho Pháp khó đảm nhiệm vai trò dẫn dắt châu Âu.
Tất nhiên, Brexit không có nghĩa là dấu chấm hết cho quan hệ Anh - Đức nhưng nó cũng gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến các chính sách của Đức. Giờ đây, Đức phải một mình gánh trên vai trách nhiệm dẫn dắt toàn bộ châu Âu dù cho chính bản thân nước Đức cũng không hề muốn như vậy.
Trả lời trong tạp chí Đối ngoại, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh sự bất đắc dĩ của Đức khi phải dẫn dắt châu Âu: “Tình thế đẩy chúng tôi vào vị trí lãnh đạo. Việc duy trì Liên minh và chia sẻ gánh nặng không phải ưu tiên hàng đầu của nước Đức”.
Tuy nhiên, đáng nói là điều gì sẽ xảy ra khi cả EU phải phụ thuộc vào Đức để duy trì? Đức không thể phát triển một mình nhưng việc không có một đối tác đủ mạnh và ăn ý khiến cho Đức buộc phải hợp tác với những đối tác được cho là “không đáng tin cậy”. Mặc dù vậy, việc phủ nhận điều này sẽ càng gia tăng những nghi ngờ về Liên minh rồi sẽ dần dẫn tới những sụp đổ của EU.