Sang chấn tâm lý do… du học

ANTĐ - Ở TP.HCM, việc cho con đi du học là khá phổ biến. Tuy nhiên áp lực văn hóa, lối sống cũng như sự kỳ vọng vào kiến thức “gặt hái” ở  xứ người đã gây nên những hệ lụy khác khi thời gian gần đây tại TP.HCM liên tục xuất hiện các trường hợp HS-SV bị tâm thần phân liệt, trầm cảm.
Sang chấn tâm lý do… du học ảnh 1
Không dễ để có thể cầm tấm bằng tốt nghiệp khi du học nước ngoài

Khi đi háo hức, khi về ngu ngơ
Do ông bà nội định cư ở Pháp, học THPT ở một trường có tiếng tại quận 1 (TP.HCM), Lý Bảo Hoàng được cả nhà động viên sang học trường Paris X chuyên ngành tâm lý. Nhưng học chưa được 1 năm Hoàng đã phải về nước do thường xuyên có biểu hiện khóc cười, la hét không kiểm soát được. Bác sỹ điều trị sau khi kiểm tra xác định, Hoàng bị chứng loạn thần cấp, cần thời gian khá dài mới có thể hồi phục. Hoàng khi tĩnh tâm cho biết: “Em là học sinh giỏi chuyên Anh và rất đam mê máy tính. Khi du học, em lại học một lĩnh vực chưa hề biết, thế là phải học tiếng Pháp từ vỡ lòng, song dù rất cố gắng, vẫn không hiểu lời giảng, khó đọc tài liệu chuyên ngành, không đủ vốn từ giao tiếp với bạn bè nên em dần rơi vào trạng thái ít nói, về đến nhà là bó gối trong phòng...”. Phan Quang Minh Hiếu nhà quận Phú Nhuận cũng được gia đình cho sang Australia học từ lớp 11, tâm sự: Phần lớn trong chúng em đi học do sự xếp đặt của gia đình, cứ nghĩ ở nhà mình học giỏi, khi ra nước ngoài sẽ chẳng… “vấn đề gì” nhưng do thiếu kinh nghiệm sống, không hòa hợp văn hóa, ngoại ngữ kém... thời gian đầu em thường xuyên thất vọng với bản thân, cảm thấy phụ công ơn bố mẹ, khi học không được, bị thi lại nhiều môn dễ bị stress, đôi lúc còn nghĩ đến cái chết. Trường hợp L - một thiếu nữ 18 tuổi ở quận 5 rất xinh đẹp, học sinh giỏi trường LQĐ, giành được học bổng toàn phần của một trường đại học Mỹ. Khi rời Việt Nam, L háo hức lắm nhưng khi sang bên đó, cuộc sống của em bị đảo lộn hoàn toàn. Những học trình với tài liệu khó khiến L không theo kịp, em thường xuyên bị căng thẳng, ức chế trong khi bố mẹ gọi điện chỉ hỏi thăm chuyện học hành, điểm số, càng khiến em lo lắng, mất ngủ, chán ăn sau đó chuyển sang trạng thái ngủ li bì… Đôi lúc chịu không nổi tính chuyện về nước thì bị gia đình rầy la, gây áp lực. Kết quả là sau 2 năm học, em phải về nước để điều trị tại bệnh viện tâm thần.Hãy hiểu con và chuẩn bị kiến thức BS chuyên khoa II bệnh viện Tâm thần TP.HCM, bà Phạm Quỳnh Diệp cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều du học sinh có vấn đề về tâm thần, đa số tuổi 15-18. Những trường hợp trên không quá nhiều nhưng sẽ là hội chứng nếu các bậc cha mẹ không hiểu con cái và ép các em vào cuộc sống tự lập ở xứ người mà chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Nhiều phụ huynh mong muốn con mình thành công song lại quên trang bị cho con những kỹ năng và sự chuẩn bị tâm lý cần thiết. Vì thế dù học rất giỏi, các em lại không có khả năng thích nghi, hòa nhập môi trường mới. Với những em khi trở về nước cũng không dễ trở lại tâm lý bình thường do các em vừa trải qua một quãng thời gian bị sốc khi rời khỏi vòng tay của bố mẹ. Vốn đã yếu đuối lại thêm sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình vào việc đi du học, xem đó là niềm tự hào, nhiều em bị một áp lực đè nặng… Nhiều du học sinh sau quá trình điều trị tâm lý cũng không muốn học ở trường Việt Nam bởi xấu hổ với mọi người, thất vọng vì không thực hiện được kỳ vọng của gia đình… Nguyễn Nhã Uyên, du học sinh tại Mỹ chia sẻ: Ngay khi còn ở nhà, hãy nhanh chóng kết nối với các hội, sinh viên ở nước bạn chuẩn bị sang học để tìm hiểu ăn ở, đi lại, tài liệu, trường học... Và một khi bạn gặp vấn đề, những kết nối này sẽ giúp bạn rất nhiều. Cần nhớ rằng, khi sang xứ người, bạn hãy để người khác hiểu bạn đang cần gì, đang muốn được giúp đỡ như thế nào. Và hơn hết, bạn phải sống thật cởi mở, hòa nhập, thân thiện để tạo sự tự tin. Nếu không có hai điều kiện cần đó, bạn không thể giao tiếp và hiểu được con người cũng như đất nước mà bạn sẽ đến, bạn sẽ dần rơi vào trạng thái cô đơn, bị bỏ rơi và phải chịu đựng một thời gian dài stress, một cuộc sống tinh thần không tốt đẹp.