“Sa tặc” hoành hành trên sông Ô Lâu

ANTĐ - Trạng khai thác cát trái phép trên sông Ô Lâu diễn ra nhức nhối, gây sạt lở nặng nhiều km bờ sông, cuốn trôi hàng chục hecta đất sản xuất và uy hiếp trực tiếp đến các làng mạc. 

“Sa tặc” lộng hành

Sông Ô Lâu chảy ngang qua địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đi qua các xã như Hải Chánh, Hải Tân, Hải Sơn... và giáp ranh với một số xã của huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) rất dồi dào nguồn cát, sạn. Khoảng 5 năm trở lại đây khi nhu cầu xây dựng ngày càng tăng cao thì nạn khai thác trái phép trên sông Ô Lâu theo đó cũng trở nên rầm rộ. Bình quân mỗi ngày có từ 50- 100 thuyền máy được trang bị gàu, guồng quay khai thác cát sạn trái phép từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Ô Lâu. 

Nạn khai thác cát diễn ra rất nhức nhối trên sông Ô Lâu

Đi thực tế tại một số điểm sạt lở nặng do nạn khai thác cát sạn trái phép trên sông Ô Lâu đoạn qua thôn Xuân Lộc, xã Hải Chánh cùng chúng tôi, anh Nguyễn Hồng Long, Phó Bí thư Chi bộ kiêm công an viên thôn Xuân Lộc, xã Hải Chánh lắc đầu ngán ngẫm, nói: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần tổ chức truy quét, đẩy đuổi thuyền khai thác trộm cát sạn nhưng cũng chẳng làm gì được chúng. Bọn này rất liều lĩnh và táo tợn, chúng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng mỗi lần áp sát bắt chúng. Một khó khăn nữa là sông Ô Lâu có một số đoạn giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên Huế nên việc xử lý cũng gặp nhiều vướng mắc”.
Anh Long cho biết, những người khai thác trộm cát sạn thường bắt đầu hành sự từ 2- 3 giờ sáng đến khoảng tầm 6-7 giờ là chở về bán cho các bãi thu mua ở hai đầu cầu Mỹ Chánh hoặc bãi ở thôn Ưu Điềm (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) và một số bãi khác. Một số thuyền khác còn múc trộm cát vào khoảng 1-2 giờ trưa. “Sa tặc” khai thác trái phép cát sạn trên sông Ô Lâu chủ yếu là người của xã Phong Hoà, Thừa Thiên Huế và một số hộ dân vạn đò ở xóm Lở, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. 

Sạt lở nặng tại thôn Văn Phong xã Hải Chánh

Sa tặc đặc biệt manh động và liều lĩnh mỗi khi bị lực lượng chức năng tổ chức truy quét, đẩy đuổi. Ông Hồ Đình Thái, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh kể: “Vào năm 2009, khi địa phương tổ truy quét “sa tặc” tại đoạn qua thôn Tân Lương đã bắt giữ được một số thuyền. Đêm đó, các thuyền này được neo ở bờ để chờ xử lý, có công an xã canh giữ, trong đó có anh Nguyễn Dương Thanh Bình là Trưởng Công an xã cùng ở lại qua đêm để giữ thuyền. Đến khuya, các chủ thuyền bị bắt giữ đã huy động rất đông người bất ngờ quay lại tổ chức cướp thuyền rất táo tợn. chúng dùng gạch đá ném vào những công an đang canh giữ thuyền, trong khi trên tay thì lăm lăm hung khí như ống típ, xà beng sẵn sàng ra ray. May các anh tránh kịp không thì chưa biết xảy ra chuyện gì. Sau đó chúng tôi được biết ghe này là của người ở xã Phong Hoà, Thừa Thiên Huế”.
Cũng theo ông Thái cho biết, thì dù địa phương nhiều lần ra quân truy quét nhưng không mang lại hiệu quả. Nguyên nhân là do lực lượng địa phương mỏng, thẩm quyền xử lý hạn chế. “Chúng tôi cũng chỉ dựa vào hương ước để xử phạt, nhiều lắm cũng chỉ phạt 1 triệu đồng/thuyền trong khi lợi nhuận từ việc khai thác cát sạn trộm lại rất lớn, vì vậy sức răn đe là rất hạn chế. Mỗi lần bị bắt giữ thì họ cam kết không tái phạm, nhưng khi được thả ra thì đâu lại vào đấy. Như bắt cóc bỏ đĩa vậy thôi”, ông Thái thừa nhận. Không chỉ riêng Hải Chánh mà tình trạng khai thác cát sạn trái phép cũng diễn ra rất nhức nhối ở các xã dọc theo sông Ô Lâu khác như Hải Sơn, Hải Tân, Hải Hoà...  

Bờ sông Ô Lâu sạt lở nặng

“Sa tặc” hoành hành trên sông Ô Lâu ảnh 3
Sạt lở bờ sẽ ảnh hướng lớn tới cuộc sống của người dân
Tại các thôn, Văn Phong, Hội Kỳ, Mỹ Chánh, Xuân Lộc, Vực Kè, Lương Sơn, Tân Lương của xã Hải Chánh, tình trạng sạt lở nặng do nạn khai thác cát sạn trái phép gây ra là rất nặng nề. Tại mép bờ sông đi qua thôn Xuân Lộc, một vực sâu kéo dài hơn 1km đã lấn sâu vào tận mép đường bê tông liên thôn.

Anh Nguyễn Hồng Long vừa chỉ tay ra giữa sông, lo lắng nói: “Cách đây mấy năm bờ sông còn nằm ở giữa sông đó nhưng nay bờ đã bị sạt lở xoi vào tận đây. Chiều rộng bờ sông đã mất khoảng 20m. Cứ sau mỗi mùa lũ thì y như rằng mất vài mét đất. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì chưa biết chừng con đường bê tông này cũng sẽ biến mất. Nguyên nhân cũng bởi nạn khai thác cát sạn vô tội vạ!”. Thôn Hội Kỳ với quân thể nhà rường gỗ quý giá nép mình bên những rặng tre xanh dọc theo bờ sông Ô Lâu thơ mộng bây giờ cũng chịu chung số phận bởi nạn sạt lở. Dọc theo bờ sông đi qua thôn Hội Kỳ, sạt lở đã ăn sâu vào bờ từ 3-5m. 

Những bụi tre vững chãi cũng bị nhấn chìm xuống sông do sạt lở

Nhiều bụi tre, cây xanh to lớn vốn rất vững chãi cũng đã bị lôi tuột ra sông. Bà Dương Thị Tùng, 42 tuổi, đang giặt tại bến sông ở thôn Hội Kỳ khi nghe nhắc đến nạn “sa tặc” và tình trạng sạt lở đã thở dài, chua chát nói với chúng tôi: “Nghe nói nhiều rồi nhưng có thấy làm gì được bọn chúng đâu. Sáng nào tôi cũng thấy thuyền cát sạn đầy nhóc của chúng chạỵ rần rần qua lại trên sông, tôi cũng thấy có khi chỉ một người nhưng điều khiển đến 3 thuyền cát sạn chạy vù vù. Ngay nhà tôi đây, mới năm kia còn nằm cách cả trăm mét mà bây giờ ngó lại đã ngay sát bờ sông rồi. Đó, hai cây mít to cả người ôm của gia đình tôi giờ cũng đã chìm nghỉm dưới đáy sông”.

Tại thôn Văn Phong, sạt lở cũng đã ăn sâu vào tận đất vườn của người dân. Ông Nguyễn Khánh Tiết, trưởng thôn Văn Phong, đứng cạnh mép sông sâu hoắm, bức xúc nói: “Mỗi mùa lũ đi qua là thôn tôi lại bay mất một đoạn bờ sông, nhiều đất vườn của người dân ở đây cũng đã bị sạt lở tấn công. Quãng sông này cũng bị “sa tặc” khai thác không thương tiếc, lòng sông giờ đã sâu hơn 10m”. 
Không chỉ uy hiếp bờ sông và làng mạc, sạt lở cũng đã cuốn trôi hàng trăm hecta đất canh tác của người dân. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Hải Chánh, sạt lở đã cuốn trôi hàng trăm mét đất vườn trồng sắn, ngô, rau màu... ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại các thôn như Tân Lương, Lương Sơn, Xuân Lộc của xã Hải Chánh sạt lở đã làm biến mất bờ sông với chiều dài trên 3km và chiều rộng từ 10- 20m. “Nếu thống kê hết thì con số đất bờ sông, đất canh tác hoa màu của người dân bị cuốn trôi do sạt lở chắc chắn còn lớn nhiều hơn. Bà con cũng kêu dữ lắm nhưng nói thật là với quyền hạn và lực lượng của địa phương như hiện nay thì chẳng giải quyết được gì”, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Hồ Đình Thái thừa nhận.

Gian nan cuộc chiến với “sa tặc”

Còn nhớ cách đây không lâu, đầu tháng 10/2010, thuyền của vợ chồng ông Võ Văn Thông và Võ Thị Huế, trú tại thôn Thuận Hòa, Phong Hòa, Thừa Thiên Huế cùng thuyền ông Võ Văn Keo (là bố Thông) đến khai thác cát sạn trái phép tại sông Ô Lâu, đoạn thôn Hà Lỗ, xã Hải Tân thì bị người dân phát hiện báo cơ quan chức năng. Ngay sau đó, chính quyền xã Hải Tân bố trí một tổ tuần tra do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, phó trưởng Công an xã làm tổ trưởng.

Đến địa điểm trên, lực lượng công an dùng loa yêu cầu các đối tượng dừng hành vi khai thác cát trái phép và đưa thuyền vào bờ. Tuy nhiên, vợ chồng Thông và ông Keo nổ máy bỏ chạy buộc tổ tuần tra phải truy đuổi. Trên quãng đường gần 2km, thuyền của ông Keo tìm cách lạng lách trước mũi thuyền của tổ tuần tra ngăn cản việc truy đuổi. Khi tổ tuần tra vượt lên và tiếp cận được thuyền của ông Thông, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhảy qua thuyền, yêu cầu tắt máy và đưa thuyền vào bờ. 

Ông Thông không chấp hành, còn vợ là bà Huế thì tìm mọi cách chống đối, nhảy vào ẩu đả đối với đồng chí Tuấn. Chưa dừng lại đó, hai vợ chồng Thông xô đồng chí Tuấn xuống sông. Trong lúc đồng chí Tuấn cố víu vào mạn thuyền thì bị Huế dùng tấm ván đánh vào tay rồi bỏ chạy. Vị trí đồng chí Tuấn rơi cách bờ 30 mét, có độ sâu khoảng 3 mét. Trong lúc đó, ông Võ Văn Keo tắt máy thả thuyền chạy tự do, đâm vào mạn thuyền của tổ tuần tra làm thuyền của tổ bị chìm.

Công an huyện Hải Lăng đã cử điều tra viên phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, tập trung lực lượng điều tra. Xét thấy hành vi của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cơ quan tố tụng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh “Chống người thi hành công vụ”. Và vụ án trên đã được TAND huyện Hải Lăng đưa ra xét xử. Với hành vi và mức độ phạm tội trên, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Thị Huế 9 tháng tù treo, Võ Văn Thông nhận mức án 6 tháng tù giam. Đây được xem là vụ xét xử “sa tặc” hiếm hoi từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Ngay sau vụ việc này được xét xử, nạn khai thác cát sạn tạm lắng một thời gian. Nhưng chỉ khoảng một thời gian ngắn sau thì tình trạng khai thác cát sạn trái phép lại tái diễn, với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo ông Hồ Đình Thái, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh thì, việc cấm khai thác cát sạn là điều không hề dễ dàng. Về lâu dài, điều quan trọng là cơ quan chức năng phải quy hoạch địa điểm khai thác hợp lý, tiến hành rà soát lại số thuyền đăng ký hoạt động để tính đến chuyện cấp phép khai thác cát sạn đồng thời kiểm tra thường xuyên, sát sao hoạt động này. Việc làm này vừa tạo nguồn thu cho nhà nước, hạn chế thất thoát tài nguyên vừa tránh gây xung đột và bức xúc trong nhân dân.
Theo Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hải Lăng cho biết, hiện chỉ mới cấp phép thăm dò, khai thác cát sạn cho 2 đơn vị trên sông Ô Lâu là: Công ty TNHH MTV Nguyên Hà và Công ty TNHH Nghệ Phát, ngoài ra tất cả những thuyền khai thác cát sạn còn lại đều là trái phép.