- Hà Nội siết chặt an toàn thực phẩm dịp Tết 2019
- Hà Nội ráo riết kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm
- Bộ Y tế sẽ công khai tên cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm hàng tuần
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, dù ngành y tế đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm do ngộ độc rượu nhưng nhiều vụ ngộ độc rượu vẫn tiếp tục xảy ra, dẫn đến những cái chết thương tâm.
Theo thống kê sơ bộ của Cục ATTP - Bộ Y tế, 11 tháng đầu năm 2018, cả nước có 91 vụ ngộ độc khiến hơn 2.700 người phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Phần lớn số người tử vong kể trên là do ngộ độc rượu. Cùng đó, rất nhiều nạn nhân khác đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng do rượu gây ra.
Có thể kể đến một số vụ nghiêm trọng đã xảy ra như: vụ 3 người chết tại Nghệ An do uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại (tháng 3-2018); vụ 4 người chết tại Quảng Nam sau khi uống rượu từ lò tự nấu (tháng 3-2018); tháng 9-2018 tại Nghệ An tiếp tục có 1 ca tử vong vì uống rượu ngâm rễ cây không rõ loại...
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong nhận định, số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm. Ngoài tình trạng ngộ độc thường gặp ở hai loại rượu ethanol và methenol thì ngộ độc rượu ngâm các loại cây (không rõ loại) có chứa độc tố tự nhiên gây nguy hiểm khôn lường cho người tiêu dùng.
Từ thực tiễn công tác điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu nhiều năm nay, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, thời điểm trước và sau tết năm nào cũng vật, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia thường tăng cao, trong số đó, chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy...
Theo bác sĩ Nguyên, nguy cơ ngộ độc rượu càng tăng với hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp). Thực tế đa số ca tử vong do ngộ độc rượu thời gian qua là sử dụng phải rượu chứa methanol.
Ngoài nguy cơ tử vong, ngộ độc, uống rượu bia quá chén dẫn tới say xỉn còn là nguyên nhân của các vụ đánh, giết nhau, hiếp dâm, tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác như gan, dạ dày, tim mạch, tâm thần... có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người uống rượu và sự phát triển kinh tế, xã hội.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người, Cục ATTP khuyến cáo người dân cần hạn chế bia rượu ở mức thấp nhất có thể; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng.