Rủi ro... do đạo đức

ANTĐ - Rủi ro vì thời tiết, thiên tai là khó lường. Rủi ro trong quản lý, điều hành doanh nghiệp, công ty, tập đoàn kinh tế chủ yếu do chủ quan. Năm 2011, nhất là nửa đầu năm 2012 được đánh giá là giai đoạn đầy khó khăn, rủi ro của nền kinh tế, đặc biệt đối với khối doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài.

Theo nhận định của Giám đốc Đầu tư Công ty quản lý Quỹ Dragon Capital, bùng nổ tín dụng như một cơn thủy triều có thể “che phủ” những yếu kém của doanh nghiệp. Yếu kém “chết người” là các doanh nghiệp nhà nước mất cân đối trong cơ cấu nợ trên tổng vốn do đầu tư quá mức bằng vốn vay nhưng hiệu quả lại quá kém.

Hệ thống ngân hàng chạy đua quá sức vì lợi nhuận và ưu ái những ông chủ nhưng lại thiếu hẳn một cơ chế quản lý rủi ro hữu hiệu. Các thị trường chứng khoán mọc như nấm trong thời kỳ thị trường “con bò” cùng chia nhau một bãi cỏ nhỏ, bất chấp quy tắc quản trị rủi ro để giành giật thị phần. Hệ lụy là, khi môi trường kinh doanh không thuận lợi, tín dụng bị thắt chặt và lãi suất cho vay tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn cao, mất khả năng thanh toán. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng cao và hàng loạt thị trường chứng khoán thua lỗ và mất hết vốn.

Đánh giá về thực trạng quản lý rủi ro ở Việt Nam, Giám đốc Quỹ Dragon Capital thẳng thắn, hiện tại có thừa những chủ doanh nghiệp có tài kinh doanh và óc sáng tạo; không thiếu những chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc dám mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cao để đổi lại là sự phát triển “phi thường” trong thời gian ngắn.

Cái thiếu cốt tử là những nhà quản lý giỏi, những người có tầm nhìn chiến lược và khả năng quản trị rủi ro tốt. Khi nền kinh tế trải qua những “cơn sốt” nóng rồi lạnh trong thời gian qua, nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế chạy theo những “đợt sóng” lợi nhuận ngắn hạn, song lại không nhận ra những “đợt sóng” ngầm rủi ro rình rập, dẫn đến đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh sở trường cũng như bị cuốn vào những “cơn sốt” bất động sản, chứng khoán dẫn đến thua lỗ, mắc kẹt. Phần lớn sự đổ vỡ, thất bại của doanh nghiệp có nguyên nhân từ yếu kém trong quản trị rủi ro.

Thoạt nhìn, dường như doanh nghiệp nhà nước có rủi do tài chính thấp hơn hẳn doanh nghiệp ngoài nhà nước vì vốn chủ sở hữu được nhà nước cấp “miễn phí”, được tiếp cận vốn vay dễ dàng. Hơn thế còn được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế phí, tín dụng, thậm chí còn được nhà nước bù lỗ, cho giãn nợ, hoãn nợ, treo nợ và cả xóa nợ. Oái ăm thay, chính những ưu tiên, ưu đãi và “nuông chiều” quá mức này lại là “thủ phạm” chính làm cho rủi ro tài chính lớn gấp bội. 

Dự thảo nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ thảo luận. Nghị định làm nổi bật vai trò của các Bộ trưởng quản lý chuyên ngành các tổng công ty, tập đoàn. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, con người là quan trọng nhất trong quản trị rủi ro, nhất là nếu để xảy ra rủi ro… do đạo đức.