Rộ lên phong trào nhịn ăn để thanh lọc cơ thể

ANTĐ - Chưa có một nghiên cứu chính thức nào nhưng thời gian gần đây, khắp các diễn đàn mạng nổi lên phong trào nhịn ăn để thanh lọc cơ thể và giảm béo; nhiều hội, nhóm cũng đã được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. 

Nhịn ăn có thể chữa được ung thư?

Có nhiều trường phái nhịn ăn với mức độ, thời gian, cách thức nhịn ăn khác nhau nhưng phương pháp được nhiều người bàn đến nhất thời gian gần đây là nhịn ăn hoàn toàn trong 12 ngày. Theo tài liệu của BS Đỗ Đức Ngọc - người sáng lập ra bộ môn Khí công y đạo và là người được cho là truyền bá phương pháp nhịn ăn này vào Việt Nam thì phương pháp thanh lọc cơ thể này có thể áp dụng cho nhiều người bệnh như cao áp huyết, tiểu đường, cholesterol, đau thấp khớp, huyết hóa vôi, bệnh dạ dày, đường ruột, gan thận, thậm chí là ung thư… chỉ cần huyết áp không quá thấp, không mắc các bệnh suy tim, bệnh thiếu máu, viêm phổi cấp, bệnh ác tính về máu, suy nhược nặng. Tác dụng của phương pháp này là giúp các tế bào ung thư bị bỏ đói, thêm vào phương pháp hít thở (ăn không khí) làm tăng hồng cầu và giúp khí huyết tuần hoàn khắp cơ thể phục hồi lại các tế bào khỏe, tăng khả năng miễn nhiễm phòng chống bệnh tật, giúp phục hồi các cơ co bóp tống độc ra ngoài bằng đường tiêu, tiểu… qua đó làm các triệu trứng ung thư biến mất.

Phương pháp giải độc cơ thể này được hướng dẫn rằng phải nhịn ăn hoàn toàn trong 12 ngày, chỉ uống nước được pha chế đường, chanh với lượng khoảng 4-6 lít/ngày. Ngoài ra, người nhịn ăn vẫn làm việc và sinh hoạt như bình thường. Sang đến ngày thứ 12, vị bác sĩ này chia sẻ mình uống vào một ly nước, là đi ngay ra một ly nước trong không có tí phân nào: “Uống vào ly nào là ra ngay ly ấy. Trong bụng bao tử và ruột thật sạch, vách thành bao tử và ruột mỏng đi”. Như vậy tức là cơ thể đã được thanh lọc, người áp dụng đã có thể bắt đầu ăn nhẹ trở lại.

Đua nhau áp dụng

Trên các diễn đàn mạng, rất nhiều người chia sẻ kinh nghiệm về quá trình nhịn ăn của mình. Có người  không gặp nguy hại gì về sức khỏe, vẫn duy trì các hoạt động thường xuyên của mình nhưng cũng có những người bị kiệt quệ, thậm chí phải nhập viện. Chị Thùy Linh, một người đang trong quá trình nhịn ăn chia sẻ: Mình đang thực hiện đến ngày thứ bảy và thấy không có vấn đề gì, chỉ thèm ăn thôi. Nhìn thấy bất kể thứ gì (ngoài nước chanh ra) thì đều thèm, kể cả bột canh không. Một người đã từng có kinh nghiệm nhịn ăn khác, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (Định Công, Hoàng Mai) chia sẻ: Năm ngoái tôi cũng đã từng nhịn ăn 2 lần, mỗi lần 12 ngày nhưng năm nay thì hay phải đi công tác nhiều nơi nên chưa thực hiện được. Tôi nhịn đúng 12 ngày, đến ngày thứ 13 thì bắt đầu ăn lại, đầu tiên có thể là cháo với tiết lợn, hoặc uống nước gạo rang, bột thảo mộc, sau đó ăn cơm chay nát nhai kỹ cho dạ dày quen dần, sau đó mới dám ăn cơm như bình thường. Không biết có phải do hiệu quả của phương pháp này hay không nhưng sau khi thực hiện phương pháp này tôi thấy đỡ hẳn bệnh đi tiểu giắt, trước kia mỗi đêm đi 3-4 lần, giờ thì hầu như không bị vậy nữa. 

Ngoài việc thanh lọc cơ thể, nhiều người cũng cho rằng đây là phương pháp hữu hiệu để giảm cân. Không ít người đã gặp những rắc rối khi thực hiện phương pháp này. Một thành viên trên diễn đàn mạng chia sẻ: Tôi đã từng nhịn ăn thanh lọc cơ thể suốt 9 ngày, chỉ uống nước mía vắt chanh, cho lát ớt, sáng thì uống cốc nước muối nhạt. Sau 9 ngày giảm được 4kg. Tuy nhiên mọi người kêu là mặt mũi xanh xao, mắt lồi lên, trông xấu hơn hồi béo. Đến ngày thứ 10 thì tôi dính phải một bữa tiệc không thể từ chối được nên ăn rất nhiều, hậu quả là hệ tiêu hóa không thể tải được và 2 ngày liền tôi “sống trong nhà vệ sinh”, người bị mất nước tàn tạ, héo úa, suýt bị “khuân” lên viện. Bây giờ thì tôi rút ra kinh nghiệm là sau khi tiết thực cần ăn uống trở lại rất nhẹ nhàng. Một thành viên khác thì cho biết bước sang ngày thứ 9, chị có cảm giác ngây ngấy sốt, khô miệng, đau đầu, đến cơ quan thì hạ đường huyết. Thậm chí mới đây, một trường hợp cũng đã phải đưa vào bệnh viện cấp cứu vì nhịn ăn sang ngày thứ 5 và bị lịm đi.

Cần thận trọng

Thực ra phương pháp nhịn ăn chữa bệnh không hề mới, đã có nhiều tài liệu trên thế giới bàn về vấn đề này. Còn ở nước ta, y học chính thống chưa có một tài liệu nghiên cứu cụ thể nào. Đem câu hỏi về việc lợi hay hại của phương pháp nhịn ăn thanh lọc cơ thể hỏi các bác sĩ đa phần chúng tôi không nhận được câu trả lời, do chưa có nghiên cứu khoa học chính thống nào trong nước. Một vài câu trả lời lại cho ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng (nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) thì cho biết, bản thân bà đã từng tìm hiểu và thực hành phương pháp này hơn chục năm nay. Bà đưa ra dẫn chứng trong thế giới động vật, khi bị thương (bệnh), con thú không ăn uống gì và rồi nó tự lành bệnh. Bản thân bà đã từng nhịn ăn nhiều lần, những lần đầu thì thực sự mệt mỏi, nhưng đến nay bà có thể nhịn ăn cả tuần mà không còn cảm giác đó nữa. Theo BS Hưng, hiện có nhiều trường phái nhịn ăn nhưng tất cả đều theo định kỳ và có thời gian, chế độ tuân thủ riêng. Việc thanh lọc cơ thể bằng cách nhịn ăn định kỳ là phương pháp chữa trị tự nhiên. Bởi 60% trọng lượng cơ thể là dự trữ, khi mất đi 60% trọng lượng thì cơ thể mới kiệt quệ.

Khi nhịn ăn, cơ thể bắt đầu ăn những tế bào ung nhọt, ăn những thứ dư thừa và tái tạo những tế bào mới. 

Ngược lại, một số chuyên gia lại khuyên không nên nhịn ăn vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng thay vì thanh lọc bằng cách nhịn ăn hoàn toàn, mọi người nên ăn một chế độ ăn sạch, tức là sử dụng thực phẩm sạch và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, quả chín, giảm lượng thịt sử dụng hàng ngày, tăng lượng cá, đậu phụ lên. Một bác sĩ hàng đầu về chuyên ngành tiêu hóa thì khẳng định với chúng tôi: Phương pháp nhịn ăn là rất phản khoa học vì chắc chắn sẽ gây hại cho cơ thể, cho hệ tiêu hóa. “Chúng tôi không bình luận về phương pháp này vì chưa có nghiên cứu chính thức nào” - ông nói.