Rẻ, nhưng còn chất lượng?

ANTĐ - Không phải ngẫu nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đứng ra chủ trì cuộc hội thảo về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế để hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong khi thuốc sản xuất trong nước bị kiểm soát gắt gao, thì thuốc từ Trung Quốc, Ấn Độ khuynh đảo các bệnh viện.

Cuộc hội thảo trở nên “nóng” vì các loại thuốc nhập từ các nước này có chuẩn và chất lượng dược phẩm chỉ được ghi trên giấy do chính doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp. Bản thân các chuyên gia y tế cũng như lãnh đạo các công ty dược phẩm có tiếng trong nước cũng phải sửng sốt vì nhiều loại thuốc hàm lượng rất “lạ” từ Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ đã trúng thầu vào các bệnh viện với giá rẻ “giật mình”, theo tiêu chí chọn giá thấp nhất trong đấu thầu thuốc do Bộ Y tế quy định danh mục thuốc trúng thầu tại một số bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đều là thuốc “Made in China” thống lĩnh.

Kết quả khảo sát sơ bộ thuốc trúng thầu vào các bệnh viện của 9 tỉnh, thành phố trong 6 tháng vừa qua cho thấy, Trung Quốc lần đầu tiên vượt lên xếp hạng top 5, Ấn Độ đang dẫn đầu. Ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế một số tỉnh phía Nam nhấn mạnh, ở một số quốc gia, nhà nước dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế những sản phẩm mà trong nước đã sản xuất được thì không cho nhập khẩu, trong đó có cả thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, nhiều chủng loại thuốc trong nước đã sản xuất được, nhưng vẫn cho nhập thoải mái.

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu đặt câu hỏi: Tại sao thuốc trong nước làm được lại vẫn cho nhập? Tình trạng loạn giá thuốc tại các bệnh viện đã trở nên rất phổ biến, thậm chí hai bệnh viện chỉ cách nhau vài chục mét mà giá thuốc chênh nhau tới 20%. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nên quy định đấu thầu ở 3 cấp: Trung ương, khu vực và địa phương như các nước đã áp dụng đấu thầu mua thuốc quy mô quốc gia. Tuy nhiên, Giám đốc một số bệnh viện lớn lại cho rằng, nếu một công ty lớn trúng thầu sẽ khó đáp ứng đủ thuốc cho tất cả các bệnh viện. Đó là chưa kể một loại thuốc trúng thầu kém chất lượng thì các bệnh viện sẽ “lĩnh đủ”, gây thiệt hại cho người bệnh. Hơn thế còn tình trạng, một số bệnh viện muốn lấy kết quả đấu thầu cũ để trục lợi, tăng lợi nhuận cho hãng dược, gây bất lợi cho người bệnh. 

Đấu thầu thuốc lâu nay được áp dụng theo Luật Đấu thầu đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi chờ sửa đổi, tiến tới đấu thầu thuốc tập trung, không thể tiếp tục tình trạng giá thuốc rẻ như… thực phẩm không kiểm soát được chất lượng, mà chủ yếu lại là thuốc của Trung Quốc.