Rau an toàn Hà Nội: Mới chưa có, cũ thì nát

ANTĐ - Trong khi đề án rau an toàn (RAT) với tham vọng lớn còn chưa nhìn thấy tương lai thì những khu sản xuất RAT trước đó đang dần mai một. Nhiều khu trồng RAT nổi tiếng Thủ đô một thời giờ cũng dần tan nát, phải chăng, mải chạy theo diện rộng mà bỏ quên những cái cũ đã gây dựng.

Mô hình RAT nổi tiếng một thời nay còn đâu


Dự án gần 1.000 tỷ đồng

Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT thành phố giai đoạn 2009-2015 đã được phê duyệt với kinh phí dự kiến lên tới trên 900 tỷ đồng. Theo đề án, đến năm 2015, Hà Nội sẽ có khoảng 5.000-5.500ha RAT được đầu tư về cơ sở hạ tầng, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất. Mục tiêu là hình thành mạng lưới sản xuất tiêu thụ rộng lớn, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) thành phố và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, dự án gần 1.000 tỷ đồng vẫn chưa có gì được cải thiện so với trước đó. Trong khi, nhiều vùng RAT mới được phê duyệt để đầu tư, thì một số vùng RAT nổi tiếng của Hà Nội đã bao năm nay lại đang mất dần đi. RAT như đi vào bế tắc, xây đằng trước, đằng sau chết yểu.

Nông dân Giang Biên (Long Biên) từ lâu đã tự hào về mô hình RAT nhà lưới của mình, dù diện tích không rộng, nhưng đã khá nổi tiếng, có thể sánh ngang với Vân Nội (Đông Anh) hay Lĩnh Nam (Thanh Trì)… Cách đây 2-3 năm, khu nhà lưới được người dân tham gia trồng RAT có quy củ, nền nếp. Nhưng nay, khu nhà lưới tan hoang, rau thì mạnh ai nấy làm, mỗi nhà dăm ba loại.

Ông Nguyễn Bá Tân, tổ 5, Giang Biên cho biết, nông dân Giang Biên áp dụng trồng RAT, từ những năm 2005-2007 và khu nhà lưới RAT của Giang Biên cũng được cấp giấy chứng nhận từ nhiều năm về trước. Song hiện tại, khu nhà lưới mẫu mực, điển hình đã bị thay thế bằng những ruộng rau, giàn mướp hỗn tạp, thậm chí, có mảnh ruộng còn để cỏ mọc um tùm. “Từ khi thành lập khu nhà lưới sản xuất RAT đến nay, toàn bộ nông dân chúng tôi tham gia vào sản xuất đều phải tự lo đầu ra, mà đã là rau mang ra chợ làng bán thì đâu có phân biệt RAT hay không, đồng giá hết, thành thử, không thể tồn tại được”, ông Tân xót xa. Cách đây một thời gian, HTX NN Giang Biên cũng tổ chức thuê một số cửa hàng để tiêu thụ RAT cho xã viên, nhưng không duy trì được bao lâu thì phải đóng cửa. Ông Tân khẳng định: “Chúng tôi đảm bảo sản xuất được RAT như đúng chỉ dẫn của ngành BVTV, nhưng, hãy chỉ cho chúng tôi, đầu ra ở đâu, hay lại mang ra chợ làng để bán?”.

Khu nhà sơ chế đã bỏ hoang

Ai tiêu thụ vẫn chưa có lời giải

Vân Nội, một trong những vùng sản xuất RAT có tiếng ở Thủ đô cả về quy mô và chất lượng, nhưng nay, qua bao thăng trầm mà không được cải tiến, không có biến đổi, người dân cũng đã thấy mệt mỏi. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội Trần Thị Hợp cho biết, toàn xã có 12 HTX sản xuất RAT, nhưng thời gian qua, chỉ còn một số HTX tâm huyết hoạt động hiệu quả, còn lại đang đà đi xuống, thậm chí, có HTX đã phải giải thể vì làm ăn thua lỗ như HTX Đông Tây, hay như HTX số 5, một số thửa ruộng đã chuyển sang trồng cau vua.

Theo bà Hợp, từ ngày người dân Vân Nội trồng RAT đến nay thì việc tiêu thụ vẫn do người dân tự túc, hoặc mang ra chợ đầu mối Vân Nội hoặc đưa đi các nơi khác tiêu thụ.

“Cũng có một số doanh nghiệp về tham quan để xây dựng khu sơ chế,  mở rộng sản xuất, nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, mà chưa cụ thể hóa ở hiện thực”, bà Hợp cho hay. Bởi vậy, diện tích RAT của toàn xã bao năm nay vẫn không thể mở rộng, mà còn thu hẹp hơn so với 40ha trước đây. Thậm chí, chợ đầu mối RAT Vân Nội, một thời hoạt động quy củ, có sự phân chia, quản lý rõ ràng khu bán và giới thiệu RAT và khu giao thương rau củ bình thường, thì nay, quy củ hoạt động cũng đã bị phá vỡ, cái chuẩn ban đầu đã không còn được duy trì.

Mở rộng diện tích RAT để cung cấp sản phẩm an toàn cho NTD là hướng đi phù hợp, song, trong khi cái mới còn chưa thấy thì cái cũ cứ dần mất đi. Trong khi đó, tiến độ thực hiện đề án RAT theo đánh giá của Sở KH-ĐT là còn chậm.