Rào cản tư duy

ANTĐ - Trong phản hồi mới nhất trước yêu cầu của chính giới Anh về việc sửa đổi quy định trong chính sách nhập cư, Nghị viện châu Âu (EP) khẳng định các quy định về quyền tự do di chuyển giữa các nước thành viên là điều không thể thương lượng và bất cứ ý định nào muốn “viết lại” quy định này đều sẽ bị chặn lại. 

Mâu thuẫn trông EU có thể làm việc cấp visa vào khu vực này bị siết chặt hơn

Quyền tự do di chuyển trong Liên minh châu Âu (EU) vốn được coi là một trong những thành quả lớn nhất mà EU đạt được. EU quy định tất cả các công dân của các nước thành viên được quyền tự do đi lại, cư trú trong lãnh thổ của các nước thành viên; được quyền bầu cử và ứng cử chính quyền địa phương và Nghị viện châu Âu tại bất cứ nước thành viên nào mà họ đang cư trú. 

Theo Hiệp ước Schengen có hiệu lực từ năm 1995, hơn 400 triệu dân EU cộng với 4 nước không thuộc EU gồm Thụy Sĩ, Liechtenstein, Na Uy và Iceland có thể đi lại tự do trong EU mà không cần visa. Khu vực tự do đi lại này trải dài từ Bồ Đào Nha tới biên giới với nước Nga bên bờ biển Baltic và từ Thủ đô Reykjavik của quốc đảo Iceland xa xôi tới biên giới Hy Lạp giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh châu Âu hướng tới một thị trường chung, việc luân chuyển tự do nguồn nhân lực sẽ giúp tạo động lực cho phát triển. 

Thế nhưng không phải mọi thứ liên quan đến cuộc sống trong ngôi nhà chung EU đều diễn ra thuận lợi. Sự khác biệt về trình độ phát triển và mức thu nhập giữa các nước thành viên, đặc biệt là giữa các nước giàu – nghèo, cũ – mới, bắt đầu làm nảy sinh nhiều chuyện. Một số nước thành viên EU, đứng đầu là Anh, tỏ ra lo ngại những người di cư từ các nước châu Âu khác như Bulgaria và Romania đến định cư ở Anh và đòi quyền hưởng các khoản phúc lợi xã hội ở những nước này.

Vấn đề là ở chỗ bắt đầu từ năm 2014, hai thành viên mới của EU này giành được quyền di cư tự do đầy đủ. Anh cho rằng sẽ xảy ra tình trạng bùng nổ “du lịch phúc lợi”, theo đó công dân từ các nước châu Âu nghèo sẽ di cư sang các nước giàu có hơn để hưởng các khoản phúc lợi xã hội cao như ở Anh. Giữa Anh và EU đã xảy ra “cuộc chiến pháp lý” xung quanh ý định của London thắt chặt việc sát hạch về cư trú và điều kiện hưởng các khoản phúc lợi với các công dân EU di cư đến Anh.

Trước đó, giữa Anh và Ba Lan cũng nảy sinh mâu thuẫn khi Thủ tướng Anh D. Cameron cho rằng có thể rút lại chính sách phúc lợi xã hội đối với trẻ em là con của người Ba Lan nhập cư làm việc tại Anh. Kể từ năm 2002, gần 1,2 triệu người Ba Lan đã được cấp thẻ bảo hiểm quốc gia cho phép họ làm việc và đóng thuế đầy đủ tại Anh.

Theo các quy định an sinh xã hội của Anh, hàng nghìn trẻ em sống tại Ba Lan được hưởng trợ cấp phúc lợi trong khi bố mẹ các em đang làm việc tại Anh. Trước đề xuất của Thủ tướng Anh, Ba Lan cho rằng đó là chính sách “không công bằng”, vì người lao động Ba Lan nhập cư vẫn phải đóng thuế tương đương người lao động Anh mà lại không được hưởng phúc lợi trẻ em như người lao động ở nước sở tại. 

Trước đây, người ta nói rằng một số nước EU muốn siết chặt lại chính sách nhập cư và tự do đi lại xuất phát từ làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu từ Bắc Phi - Trung Đông. Tuy nhiên, giờ thì mọi chuyện đã rõ, sự kỳ thị giàu – nghèo trong tư duy đang ngăn cản bước tiến của EU. Với thái độ bài trừ gay gắt của một số nước như Anh, người ta buộc phải đặt câu hỏi về cái gọi là “xã hội dân chủ, bao dung và nhân đạo” mà EU quảng bá.