Rắc rối từ cái họ khai sinh

ANTĐ - Lập gia đình từ năm 2002, trong cuộc hôn nhân kéo dài 11 năm của mình, chị Nguyễn Thị Thuận ở ngõ 299/56 Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quân Hoàng Mai) luôn ao ước được một lần làm mẹ. Oái oăm thay, đến khi chị sinh được một cháu bé kháu khỉnh vào tháng 10-2013 thì bé Bá Lâm lại không thể làm giấy khai sinh.

Chị Thuận và bé Lâm

Khi tình yêu kết thúc

Lẽ ra cuộc sống của vợ chồng chị Thuận cũng sẽ yên ấm như bao gia đình khác nếu như chồng chị không mắc chứng vô sinh. 11 năm chung sống, anh chị cũng đã chạy chữa khắp nơi nhưng kết quả vẫn là nỗi buồn đằng đẵng. Cũng chính vì không có đứa con để làm sợi dây níu giữ nên cuộc sống lứa đôi cũng rạn nứt dần. Khát vọng làm mẹ thôi thúc, chị Thuận quyết định nhờ y học can thiệp giúp có con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Đó cũng là quãng thời gian hai vợ chồng chị bắt đầu ly thân và cuối cùng là ly hôn. Sau khi hai vợ chồng “đường ai nấy đi” được 3 tháng thì bé Bá Lâm chào đời. Cũng do những mâu thuẫn với chồng từ trước, cộng thêm lý do hai người không còn ràng buộc nên chị Thuận muốn con mình mang họ mẹ. Và từ đây, rắc rối xảy ra…

“Tôi lên UBND phường Hoàng Văn Thụ để làm thủ tục khai sinh thì liên tục gặp khó khăn. Vị cán bộ tư pháp yêu cầu tôi, hoặc là phải khai sinh con theo họ cha, hoặc cung cấp đầy đủ các giấy tờ như: Bản xác nhận có chữ ký của chồng cũ về việc anh ấy không phải là cha đứa trẻ. Ngoài ra họ cũng yêu cầu tôi cung cấp các giấy tờ khác của bệnh viện như chứng nhận cháu bé ra đời bằng thụ tinh nhân tạo, các giấy tờ của tòa án xác định chồng tôi không phải là cha đứa bé…”, chị Thuận nói.

Thiệt thòi đổ đầu con trẻ

Khẳng định cán bộ của mình làm đúng các quy định tư pháp, ông Nguyễn Tiết Cương - Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ cho biết: “Trường hợp của chị Thuận khá đặc biệt và chúng tôi mới gặp lần đầu. Quyền khai sinh của đứa trẻ là đương nhiên được pháp luật thừa nhận, tuy nhiên vấn đề lại nằm ở chỗ chị ấy yêu cầu khai sinh con theo họ mẹ trong khi Luật Hôn nhân và gia đình cùng các nghị định khác quy định con sinh ra (hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân) thì phải khai sinh theo họ cha mặc dù có thể thực tế đó là con riêng của chị ấy. Do đó chúng tôi không thể làm giấy khai sinh cho cháu bé”.

Ông Cương cũng thông tin thêm: “Vì đây là trường hợp khá hy hữu nên để cẩn thận chúng tôi đã có văn bản đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này”. Để khẳng định lời nói của mình, ông Cương cung cấp một văn bản do ông Phan Hồng Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp ký trong đó nêu rõ: “Cháu bé được sinh ra do chị Thuận có thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc trong vòng 300 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án xử vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật mà chị Thuận khẳng định đứa trẻ không phải là con chung của mình với người chồng đã ly hôn thì vẫn được xác định là con chung của chị Thuận và chồng cũ. Như vậy, cháu bé con chị Thuận được pháp luật xác nhận là con chung của chị Thuận và chồng cũ, kể cả khi chồng cũ không thừa nhận đứa trẻ là con mình. Việc đăng ký khai sinh theo diện con ngoài giá thú cho trường hợp này chỉ được thực hiện khi đã có Bản án, quyết định của Tòa án xác định việc người chồng cũ không phải là cha của cháu bé”.

Luật sư Đỗ Minh Phương, Công ty Luật Gia Yên và cộng sự nhận định: “Xét về mặt luật pháp thì UBND phường Hoàng Văn Thụ không hề làm sai. Nếu muốn cháu bé được mang họ mẹ thì trong trường hợp này chị Thuận phải yêu cầu tòa án mở một phiên tòa khác nhằm xác định rõ chồng của chị ấy không phải là cha đứa trẻ. Đây là việc cần thiết bởi nó còn liên quan đến nhiều quyền lợi của cháu bé về sau này như quyền thừa kế, quyền cha con và các nghĩa vụ khác… Chỉ có đứa bé là thiệt thòi bởi như hiện nay cháu sẽ không xác định được nhân thân đồng nghĩa với việc không được hưởng các quyền lợi mà pháp luật quy định”.