Quyết thắng trong vùng dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tôi muốn gọi họ là những “thiên thần áo trắng”, bởi vì chỉ có thiên thần mới không biết cáu giận khi gặp những yêu cầu, đòi hỏi vô lý hay không biết lo sợ hiểm nguy khi đối diện những cuộc rượt đuổi như trong phim hành động tại khu cách ly Covid-19. Họ chính là những y bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện CATP Hà Nội.

Chuyện về những người 2 năm đón Tết cùng dịch Covid-19

Còn nhớ những ngày tháng 3-2020, trong một lần trò chuyện cùng Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, khi ấy đang là Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội, chị đã kể cho tôi nghe về ngày mùng 6 Tết Canh Tý. Ngày làm việc đầu tiên của mùa xuân ấy không phải buổi gặp mặt đầu xuân như thông lệ mà là một cuộc họp gấp với các đơn vị của CATP Hà Nội để triển khai công tác phòng, chống một loại dịch bệnh mới, thời điểm đó được định vị tên gọi là “virus Corona” đang bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Lúc ấy, với chị và cả những đồng đội vẫn chỉ nghe loáng thoáng nhưng chẳng ai nghĩ nó đã xâm nhập vào Việt Nam.

Nhiệm vụ của Bệnh viện CATP Hà Nội khi đó là tổ chức phòng dịch trong nội bộ CATP với các biện pháp phòng ngừa như phun khử khuẩn cho các đơn vị, tuyên truyền về dịch bệnh và các phương pháp phòng, chống đến các cán bộ, chiến sĩ. Bất ngờ ngày 5-2, tức là chỉ 1 tuần sau cuộc họp phòng, chống dịch bệnh với Ban Giám đốc, vẫn chưa đến Rằm tháng Giêng, bệnh viện nhận được lệnh của UBND TP Hà Nội sẽ trở thành điểm cách ly tập trung các công dân đến Việt Nam đã từng đi qua vùng dịch.

“Khi nhận được chỉ đạo của cấp trên về việc sẵn sàng đón các trường hợp cách ly, cấp ủy, chỉ huy đơn vị không tránh khỏi lo lắng cả về cơ sở vật chất lẫn kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nhưng thời gian không có nhiều. Tất cả thống nhất sẽ vào “trận” bằng tâm thế người chiến sĩ Công an nhân dân, tận tâm nhất, sẵn sàng đương đầu rủi ro để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người cách ly. Cứ thế, vừa làm vừa học, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc y tế trong phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt, luôn giúp người cách ly có được tâm lý thoải mái, yên tâm nhất” - Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền nhớ lại.

Còn với Thiếu tá, điều dưỡng Dương Thị Mai Loan, khoa Nội, Bệnh viện CATP Hà Nội, chị lại nhớ về mùng 4 Tết Tân Sửu vừa qua. “Những tưởng sẽ có một cái Tết bình an và yên tâm vì gần như số người nhập cảnh trái phép, thực hiện cách ly tại Bệnh viện CATP đã được bàn giao cho cơ quan chức năng Trung Quốc, ngày Tết chỉ còn lại một số ít người cách ly tại đây. Nhưng mùng 4 Tết, sự kiện chuyên gia người Nhật tử vong tại Tây Hồ và xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ khi đi làm thủ tục khám nghiệm tử thi trở thành F1 phải cách ly tập trung” - Thiếu tá Dương Thị Loan nhớ lại.

Bỏ lại sau lưng nhiều dự định chưa kịp thực hiện trong những ngày Tết, các chị lại lao vào công việc với một tâm thế mới. Và bắt đầu từ thời điểm ấy, khu cách ly tập trung tại Bệnh viện CATP Hà Nội luôn trong tình trạng hết công suất vì số lượng người nhập cảnh trái phép, người vô gia cư đưa vào đây ngày càng đông.

Nữ y tá của Bệnh viện CATP Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đồng đội của mình

Nữ y tá của Bệnh viện CATP Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đồng đội của mình

Chọn sự vất vả làm niềm vui, lẽ sống

Tôi gặp Thiếu tá, điều dưỡng Dương Thị Mai Loan vào ngày cuối cùng của năm 2021, khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Trời Hà Nội hôm ấy lạnh 12 độ C. Hơn 11h trưa, chị mới về đến phòng làm việc trong một bộ trang phục mà tôi ngỡ chị đang ở giữa mùa hè. “Mặc thế này cho tiện, chui vào bộ đồ bảo hộ để lên khu cách ly nhanh hơn. Mà mặc đồ bảo hộ ấm chả kém gì mặc áo bông đâu nhé” - chị Loan cho biết.

Nghe câu nói của chị mà tôi trào lên một cảm xúc khó tả. Giữa thời tiết 12 độ C mà chị “quảng cáo” cho chúng tôi là ấm chả kém mặc áo bông thì những ngày nóng gần 40 độ C, các chị sẽ có cảm giác như thế nào khi khoác lên mình bộ quần áo “phi hành gia” ấy. Thiếu tá Dương Thị Mai Loan chia sẻ, nếu như người ngoài nhìn vào, sẽ thấy chúng tôi cực kỳ vất vả, nhưng với chúng tôi đó lại là niềm vui vì khi toàn lực lượng y tế Công an nhân dân lên đường ra tuyến đầu chống dịch, chúng tôi không ở trong đoàn quân ấy, nhưng làm nhiệm vụ trong khu cách ly cũng là cách để chúng tôi cùng đồng đội đẩy lùi dịch bệnh, góp phần kiềm chế sự gia tăng chóng mặt của dịch bệnh, đặc biệt trong đợt dịch vừa qua.

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, đặc thù của Bệnh viện CATP Hà Nội bên cạnh cách ly các trường hợp F1 là cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị trong CATP thì còn một số lượng lớn đối tượng là người nhập cảnh trái phép, người có các hành vi vi phạm pháp luật khác nên cùng với việc là khu cách ly tập trung, nơi đây còn là trại tạm giam với một số đối tượng, thậm chí là những kẻ mang lệnh truy nã quốc tế.

PV Yên Hưng

PV Yên Hưng

Vì thế, ở đây còn thường xuyên có các hoạt động liên quan đến các biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an. CATP cũng đã tăng cường Cảnh sát bảo vệ phía bên ngoài nhưng các y, bác sĩ, điều dưỡng là những người mặt đối mặt với các đối tượng cách ly, sự nguy hiểm không phải là không có. “Đã có những đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép quậy phá đuổi cán bộ y tế vì không được đáp ứng yêu cầu, thậm chí phá hỏng cả hệ thống cửa của một số buồng cách ly” - Thiếu tá Dương Thị Mai Loan kể.

Tin ở ngày mai

Khu cách ly tập trung của Bệnh viện CATP Hà Nội được đặt trên tầng 5 và 6 của đơn vị. Đây vốn là những căn phòng dành cho cấp chỉ huy các đơn vị trong CATP về học tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ nên cơ sở vật chất khá khang trang với 44 phòng, mỗi phòng 2 giường với đầy đủ tiện nghi. Để thành khu cách ly đạt chuẩn, lãnh đạo bệnh viện đã liên lạc với Sở Y tế Hà Nội để tham khảo, nhằm cải tạo, gia cố cho phù hợp. Đáng lẽ ở đây chỉ dành cho khoảng 88 người, nhưng sự bùng phát của dịch bệnh, có thời điểm cao nhất, nơi đây tiếp nhận đến hơn 100 người, thậm chí có phòng chứa đến 6 người cách ly. Những ngày cuối năm 2021, tại đây chỉ còn 10 trường hợp F1 và trong 4 đợt dịch vừa qua, tại khu cách ly này chưa có trường hợp cán bộ y tế nào bị lây nhiễm Covid-19.

Cùng với việc chăm sóc đối tượng F1, bệnh viện còn tổ chức tiêm chủng cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong CATP cùng người thân. Đây là bệnh viện cấp tỉnh đầu tiên trong lực lượng Công an toàn quốc tổ chức tiêm chủng trên quy mô lớn. Và cũng thần tốc như những ngày bệnh viện nhận được lệnh trở thành khu cách ly, chiến dịch tiêm chủng này cũng chỉ có 4 ngày để chuẩn bị.

Bác sĩ, Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ, từ khi có dịch Covid-19, chúng tôi đã quen với trạng thái bị động, bất ngờ nhưng rất nhanh chóng chuyển sang thế chủ động. “Sắp tới đây, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khi các trường hợp F1 được cách ly tại nhà, có thể khu cách ly tập trung sẽ đóng cửa và Bệnh viện CATP sẽ nhận một nhiệm vụ mới là điều trị các ca F0 không triệu chứng. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần của những con người nơi tuyến đầu, đã khoác trên mình bộ quần áo blouse trắng thì bất cứ nhiệm vụ nào chúng tôi cũng sẽ nắm thế chủ động để giành chiến thắng” - bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định.