Quyết tâm không để dịch Ebola xâm nhập Việt Nam

ANTĐ - Chiều 11-8, tại Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi họp khẩn để bàn các biện pháp đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. Ban chỉ đạo nhận định, Ebola là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, có khả năng lan rộng và Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm bằng mọi biện pháp không để dịch xâm nhập.

Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cùng phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kiểm tra khu vực kiểm dịch y tế tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài

Không nên quá hoang mang

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, Ebola là virus vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%. Từ tháng 3-2014 đến nay, số ca mắc dịch bệnh này tại châu Phi gia tăng mạnh cả về số lượng và phạm vi địa lý, khởi đầu ở Guinea với 49 ca mắc và 29 ca tử vong, sau đó lan dần sang các nước Nigeria, Liberia, và Sierra Leone. Hiện tại, số ca mắc và tử vong do dịch bệnh này tăng nhanh hàng tuần, tính đến ngày 8-8 đã có tổng số 1.779 ca mắc (trong đó có khoảng 200 bệnh nhân là cán bộ y tế), 961 ca tử vong. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch tại 4 quốc gia Tây Phi nói trên, các nước láng giềng với những nước này đã phải đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dịch Ebola cũng có thể lây lan ra các quốc gia khác thông qua khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động tại các quốc gia đang có dịch bệnh về nước hoặc quá cảnh. Một số quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha có công dân sang làm việc đã nhiễm bệnh tại Sierra Leon. Một số nước cạnh Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan cũng đã có ca nghi ngờ mắc bệnh. 

TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Ebola nào, tuy nhiên dịch có thể vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Đã có một số người hỏi tôi mua thuốc uống phòng bệnh này, điều đó cho thấy tâm lý người dân khá lo lắng. Dù vậy, người dân không nên quá hoang mang bởi ngành y tế cũng như tất cả các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đang tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh này” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo.

Hệ thống đo thân nhiệt luôn sẵn sàng hoạt động

Nhiều người Việt Nam sống, về từ vùng có dịch

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cho biết, trước diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh Ebola, Bộ đã có công điện gửi đến cơ quan đại diện Việt Nam tại 4 quốc gia đang có dịch là Nigeria, Marocco, Guinea, Siriea Leone đề nghị thông báo tình hình dịch; đồng thời yêu cầu nắm chắc số lượng công dân Việt Nam đang sinh sống tại đây, hướng dẫn họ các biện pháp tự phòng chống dịch. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo trong trường hợp diễn biến xấu có thể rút nhân viên ngoại giao tại các nước có dịch về nước.

“Thông tin bước đầu đến ngày 11-8, tại Nigeria hiện đang có 15 công dân Việt Nam sinh sống, trong đó 10 người sống trong khu vực có dịch bệnh Ebola nhưng chưa người nào bị ảnh hưởng bởi dịch, sức khỏe hoàn toàn bình thường” – bà Nguyễn Thị Bích Hằng nói. 

Cũng liên quan đến công dân Việt Nam ở châu Phi, trong những ngày gần đây, Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều đoàn đưa hàng nghìn lao động ở Libya về nước sau khi đất nước này xảy ra chiến sự. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong ngày 10-8 có 184 lao động Việt Nam từ Libya về nước,  trước khi về nước số lao động này đã quá cảnh Ai Cập (cũng là một nước châu Phi).

Trong ngày 11-8, tiếp tục có 94 lao động ở Libya được đưa về nước. Tất cả những lao động này khi về đến sân bay Nội Bài đều được làm các thủ tục kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, áp dụng tờ khai quốc tế để giám sát phòng chống bệnh Ebola theo quy định. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, trong số 184 lao động ở Libya về nước chiều 

10-8 có 26 người Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế địa phương giám sát những người này tại cộng đồng trong vòng 21 ngày đồng thời thông báo cho các tỉnh/ thành có số hành khách còn lại để chủ động giám sát.

Thiết bị phòng hộ, phòng chống dịch được trang bị tại sân bay Nội Bài

Tạm dừng đưa khách du lịch đến vùng dịch

Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết, dịch Ebola ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Trên thực tế, nguy cơ xâm nhập dịch Ebola sang các quốc gia theo đường du lịch là lớn nhất. Vì vậy, Bộ này đã yêu cầu các tỉnh/ thành, các công ty du lịch, Hiệp hội về du lịch tạm dừng đưa khách đến các vùng dịch cũng như có biện pháp phòng bệnh và đảm bảo sức khỏe cho khách du lịch từ vùng có dịch hoặc các thị trường liên quan đến vùng có dịch tới Việt Nam trong thời gian này. Điều đáng mừng là 4 nước đang có dịch Ebola ở Tây Phi đều không phải là điểm du lịch thu hút nhiều khách Việt Nam, trong khi khách du lịch từ Tây Phi đến Việt Nam hầu như không có.

Trước những diễn biến này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm không để dịch xâm nhập. Trong trường hợp xấu nhất khi có dịch xâm nhập thì phải quyết tâm hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng của dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Quốc gia phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác phòng chống dịch Ebola, định kỳ hàng tuần báo cáo về Bộ Y tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam được hướng dẫn khai báo y tế để phòng dịch

Việt Nam chưa đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán được Ebola

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, về kỹ thuật, Việt Nam có đủ khả năng chẩn đoán xác định virus Ebola. Tuy nhiên, do Ebola là virus vô cùng nguy hiểm, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì việc xét nghiệm chẩn đoán virus này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4, cấp cao nhất - trong khi ở Việt Nam mới chỉ có phòng an toàn sinh học đạt cấp 3 nên chưa đủ điều kiện để xét nghiệm Ebola. Bộ Y tế đã liên hệ với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để gửi mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có trường hợp nhiễm virus Ebola tại Việt Nam.

Kiểm tra việc giám sát dịch Ebola tại sân bay Nội Bài

Sáng 11-8, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội đã kiểm tra việc đáp ứng phòng chống dịch Ebola tại sân bay Nội Bài. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc dẫn đầu đoàn kiểm tra. Hiện tại ở sân bay Nội Bài, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 2 phòng cách ly tại nhà ga T1 với các trang thiết bị cấp cứu cần thiết, đảm bảo 2 máy kiểm tra thân nhiệt hoạt động tốt và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đến từ vùng có dịch.