Quyết không li hôn vì...có chết cũng làm "ma nhà chồng"

ANTĐ - Khi người tư vấn hỏi có bao giờ chị nghĩ đến chuyện ly hôn để giải thoát cho mình và cứu các con không, chị nói ngay: "Tôi không bao giờ đơn phương ly hôn, tôi là phụ nữ, sống ở nhà cha, chết làm ma nhà chồng"

Người ta lấy nhay là để chung xây tổ ấm hạnh phúc. Vì vậy để có hạnh phúc gia đình đòi hỏi ở mỗi người một tình yêu, một tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng. Khi một trong hai người trở thành gánh nặng, trở thành "cái nợ" của người kia thì người trong cuộc cần suy nghĩ về lý do tồn tại của gia đình. Tuy nhiên, có không ít chị em phụ nữ ngại việc chủ động ly hôn, cam chịu sống với một cuộc hôn nhân "đánh đu"

Có chết cũng phải làm "con ma có chồng"

Chị Huệ là giáo viên, đã bị chồng thường xuyên gây sự đánh đập đến thâm tím mặt mày. Lý do là người chồng sống thiếu trách nhiệm với gia đình, công khai quan hệ với người phụ nữ khác ngay trong nhà. Mỗi khi bị vợ nhắc nhở người chồng thường thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Nghĩ rằng ''xấu chàng hổ ai" nên khi mọi người hỏi về những vét thâm tím trên thân thể, chị thường bảo do bị ngã xe. Nhiều năm trôi qua, sức chịu đựng của chị cũng cạn kiệt dần, nhưng trong đầu chị chưa bao giờ tồn tại hai tiếng ly hôn.

Nhưng có lẽ khổ nhất là chị Mai. Chị bị hành hung và đe doa tính mạng bởi chính người chồng đã "đầu gối tay ấp" gần hai chục năm nay của mình. Chồng chị có bồ, chị đắng cay và bất lực. Chị chấp nhận cho chồng có bồ, với điều kiện "anh để tôi yên". Có chút tiền hai vợ chồng tiết kiệm với mục đích khi về già "có chút tiền dắt lưng" vậy mà chồng chị bắt chị đưa tất sổ tiết kiệm, ép vợ ra ngân hàng rút hết tiền ra.

Có tiền, người đàn ông bội bạc ấy mua một căn nhà và chung sống với người tình. Chị Mai nghĩ như thế là thoát nợ. Ai ngờ hàng ngày người chồng nát rượu vẫn đến đòi xin tiền. Không cho hắn đánh. Tối đến, hắn đập cửa ầm ầm đòi vào nhà, không mở cửa cho hắn vào, hắn chửi bới làm ầm ĩ xóm phố. Nhiều lần hắn bị công an khu vực bắt đưa ra đồn vì tội làm mất trật tự an ninh công cộng. Được vài hôm hắn lại chứng nào tật ấy.

Không thể chịu đựng mãi được cảnh bị ức hiếp, chị đã có lần gọi điện tâm sự với các chuyên viên tư vần rằng: "Tôi sẽ giết nó, rồi muốn ra sao thì ra". Khi được các chuyên viên tư vấn khuyên ngăn, chị bảo: "Thế thì tôi sẽ phải đi học võ để dạy cho hắn một bài học". Khi người tư vấn hỏi có bao giờ chị nghĩ đến chuyện ly hôn để giải thoát cho mình và cứu các con không, chị nói ngay: "Tôi không bao giờ đơn phương ly hôn, tôi là phụ nữ, sống ở nhà cha, chết làm ma nhà chồng"

Nhiều người phụ nữ sống với chồng mà như sống trong địa ngục, nhưng không dám đơn phương ly hôn. Lý do các chị em đưa ra là cái số em nó thế, cắn răng mà chịu, chứ hay ho gì chuyện bỏ chồng". Có chị sợ ly hôn thì gia đình tan nát, con cái thiệt thòi vì mất bố, mặc dù chính các chị khẳng định người bố đó "có cũng như không" thậm chí còn có hại cho con cái. Sợ phải chia nhà cửa, tài sản, sợ bỏ chồng sẽ không lấy được ai nữa, sẽ rơi vào cảnh cô đơn sẽ không được nuôi con.

Tuy nhiên, có không ít chị năm lần bẩy lượt viết đơn, đòi chồng ký, bị anh ta xé bỏ lá đơn hoặc không chịu ký. Chị Hòa ở Long Biên là người phụ nữ không gặp may mắn. Khi vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm là chị lấy chồng, một người bạn thân của anh trai chị. Thấy anh tốt nết, hiền lành, gia đình chị Hòa rất mừng và lo cho vợ chồng chị đầy đủ từ nhà cửa, đồ đạc trong gia đình, cũng hy vọng vợ chồng anh chị có cuộc sống tốt đẹp hơn. Quả thực anh chị cũng có hơn hai năm hạnh phúc. Nhưng tất cả đã đổi khác khi anh ấy lên chức trưởng phòng.

Chồng chị Hòa ngang nhiên cặp bồ hết với người nọ đến người kia. Có hôm anh còn gọi điện cho bạn gái, hẹn hò đi chơi ngay trước mặt vợ. Chỉ cần cô bồ gọi điện, nhắn tin, thì dù có đang ăn cơm cùng vợ con, chồng chị Hòa cũng bỏ ăn để ra đi. Chị Hòa khóc hết nước mắt, van xin anh nghĩ đến đứa con, nhưng anh ấy nói thẳng: "Tôi phải lo cho tôi trước khi lo cho con!" Nhiều lần anh ấy nói: "Tôi có bồ đấy, cô có giỏi thì cứ cặp bồ đi, tôi không ghen đâu". Chị Hòa đau xót vì chuyện chồng có bồ một thì đau vì những lời nói "trắng trợn" của anh ấy mười. Sau nhiều lần như vậy, chị đã viết đơn ly hôn, yêu cầu anh ký để giải phóng cho anh, để anh được sống trọn vẹn với người con gái anh yêu thương.

Lần thứ nhất, đọc xong đơn, anh xé vụn vứt lung tung ra nhà và nói: "Cô điên à? Tôi không bỏ cô thì thôi, cô dám viết đơn bỏ tôi à? Hãy đợi đấy, bao giờ tôi chán cặp bồ, sẽ về hầu hạ cô, cô chết tôi có trách nhiệm". Lần thứ hai, chị Hòa viết đơn ly hôn, chồng chị không chịu ký. Thế là lá đơn có một chữ ký vẫn được chị cất giữ trong tủ, còn chị cam chịu cảnh sống mòn.

Không phải nô lệ của chồng

Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ nhỏ bé, gầy gò, nét mặt khắc khổ, nước mắt giàn dụa. Khi mới gặp tôi đoán chị phải ngoài bốn mươi, hoá ra chị mới ba mươi hai tuổi. Chị nghẹn ngào nói: "Tôi đến đây chỉ để hỏi anh rằng tôi quyết tâm ly dị chồng tôi thì tôi có phải là người quá đáng không. Tôi đã chịu đựng đau khổ mười một năm nay rồi, bây giờ mới dám quyết định. Đây, giấy hẹn của toà đây...".

Chị lấy anh mười một năm trước khi anh và chị đều là cán bộ trẻ, mới ra trường. Được nửa năm chị mới phát hiện anh bị nghiện ma tuý. Chị bàng hoàng nói với gia đình nhà chồng thì được bố mẹ chồng cho biết: "Nó bị lâu rồi, bố mẹ bất lực, con có cách gì thì giúp nó". Chị thương chồng, khuyên ngăn anh, theo dõi và giúp đỡ anh nhưng anh không bỏ được và còn ngày càng nghiện nặng hơn. Khi đứa con đầu lòng ra đời là lúc anh không còn đi làm được nữa, suốt ngày theo đám bạn bè xấu chích hút. Đồ đạc trong nhà bị anh mang đi bán dần đề lấy tiền mua thuốc.

Gia đình chồng và chị đã phải đưa anh đi trại cai nghiện. Sáu tháng sau anh trở về, tưởng rằng đã thoát nạn, nào ngờ được ít hôm anh lại tái nghiện. Không có tiền, anh bắt vợ bán đồ đạc do gia đình bên ngoại cho. Chị nói thì bị anh đánh đập đến thâm tím mặt mày. Đau khổ quá chị định ly dị anh, song chị nghĩ "vợ chồng lúc hoạn nạn cần có nhau, mình bỏ anh lúc này thì quá đáng". Thế là chị lại một lần nữa đưa anh đi cai nghiện. Cảnh nhà túng quẫn, chị đã vừa nuôi con, vừa ra sức làm thêm để có tiền nuôi cả chồng, hy vọng đến một ngày nào đó anh tu tỉnh trở lại, sẽ khôi phục kinh tế gia đình. Vậy mà điều mong ước của chị không thành.

Bốn lần đi cai là bốn lần anh tái nghiện. Gia đình bên ngoại bảo chị phải bỏ chồng thì mới có cơ hội làm lại cuộc đời, nhà chồng thì bảo "tuỳ con quyết định". Chị quyết tâm cố gắng một lần nữa. Chị đã tâm sự với anh khi anh tỉnh táo: "Nếu không vì thương anh, thương con, em đã bỏ anh lâu rồi. Nhưng anh cũng phải biết thương mình và thương em nữa chứ. Lần này anh cứ đi cai nghiện một lần nữa. Em sẽ sang Tiệp với đứa bạn làm ăn một thời gian. Khi nào anh hoàn toàn khoẻ mạnh, em sẽ trở về. Nêu không thì...". Đang làm ăn ổn định ở Tiệp, nghe tin chồng đã hồi phục, chị bỏ tất cả ra về. Được thời gian đầu anh chịu khó đi làm.

Nhưng khi chị có mang đứa con thứ hai là lúc anh lại không quên được ma tuý. Lần này anh có vẻ hung bạo hơn. Mỗi lần giận chị không cho tiền là anh cứ lôi con ra đánh! Có lần anh doạ nếu không cho anh hút hít nữa, anh sẽ đem con đi bán, thế là chị lại sợ...

Cứ như thế mười một năm qua là mười một năm bất hạnh của cuộc đời chị. Ai cũng bảo chị là kiên trì, chứ người khác thì người ta không chịu đựng lâu đến thế. Người thân thì bảo chị dại, vì họ không tin anh có thể bỏ được ma tuý nữa, nếu cứ sống tiếp như vậy, khác nào sống mòn. Nhưng điều chị lo lắng hơn là hai đứa con ngày một lớn lên, chung nó sẽ hỏng mất nếu như trong nhà có một người cha như thế. Đã có lần con trai chị hỏi: "Mẹ ơi, có phải bố tiêm chích ma tuý hả mẹ". Lần này thì chị quyết tâm, chị không thể là nô lệ của anh mãi được. Chị cũng muốn sống cho mình một chút và sống vì các con nữa, Chị viết đơn ly hôn thì anh xé đi và doạ nếu chị bỏ anh, anh sẽ giết tất cả ba mẹ con. Sợ quá chị đưa con về bên ngoại thì anh đến quấy rối, buộc chị phải nhờ đến chính quyền và công an địa phương.

Nhìn người phụ nữ khắc khổ và chịu đựng, tôi không dám khuyên chị cố gắng một lần nữa. Vả lại chị cũng đã cố gắng rất nhiều rồi. Mỗi con người trưởng thành phải chịu trách nhiệm về số phận và cuộc đời của mình. Tất nhiên khi hoạn nạn, vợ chồng cùng gánh vác, san sẻ. Song điều cơ bản nhất là nghị lực vươn lên của mỗi người chứ không ai có thể trông chờ vào người khác và bắt người khác chịu những bất hạnh do mình tạo ra mãi được. Tôi tin mọi người và gia đình cũng nhất trí với quyết định của chị, để chị được sống vì mình, vì con. Chị là một con người chứ có phải đâu là nô lệ của người chồng.

Đơn phương ly hôn toà vẫn giải quyết

Trước đây việc ly hôn gặp nhiều trắc trở, chủ yếu là do vấn đề thủ tục. Ngày ấy tòa yêu cầu đơn ly hôn phải có đủ hai chữ ký của vợ chồng, gọi là yếu tố "thuận tình ly hôn". Tuy nhiên, nhiều người đàn ông tuy không còn yêu thương vợ, bản thân thì chung sống với người khác, nhưng không muốn con mình mất đi "người giúp việc hoàn hảo" hay tài sản bị phân chia, nên kiên quyết hãm duyên vợ, không chịu ký đơn ly hôn. Có những vụ ly hôn kéo dài đền hàng chục năm trời không được giải quyết, khiến những người vợ chết dần chết mòn trong ngôi nhà đã cạn tình yêu thương, thiếu trách nhiệm và đầy bạo lực.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã thực sự "cởi trói" cho những người vợ Điều 85 Luật HNGĐ, khoản 1 có ghi: "Vợ, chồng hoặc cả hai có quyền yêu cầu toa án giải quyết việc ly hôn". Như vậy, người chồng hay người vợ có quyền đơn phương yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn của mình, nghĩa là đơn ly hôn có thể có đủ hai chữ ký, hoặc chỉ cần một người ký, không nhất thiết phải có sự đồng ý của người kia.

Khi giải quyết yêu cầu ly hôn,Tòa án sẽ xem xét thực trạng mối quan hệ của hai vợ chồng. Điều 89 Luật HNGĐ chỉ rõ: "Nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì Tòa quyết định cho ly hôn"!

Mục 8, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xác định mối quan hệ vợ chồng được coi là trầm trọng khi vợ chồng không yêu thương, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, thiếu trách nhiệm hoặc bỏ mặc vợ, chồng của mình mà được bà con thân thích, các cơ quan, tổ chức nhắc nhở, hòa giải nhiều lần mà không thành công. Vợ, chồng luôn luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ, đánh đập hay có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, vợ chồng không chung thủy, có mối quan hệ ngoại tình, đã được nhắc nhở, khuyên bảo mà vẫn tiếp tục ngoại tình cũng là dấu hiệu chứng tỏ mối quan hệ vợ chồng đã trở nên trầm trọng. Mục đích của cuộc hôn nhân không đạt được là khi họ không còn tình nghĩa vợ chồng, không bình đẳng về nghĩa vụ, không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau.

Như vậy, việc ly hôn đã trở nên nới lỏng hơn về mặt thủ tục Không ai muốn kết hôn để rồi ly hôn, nhưng cũng không có lý do gì để mọi chúng ta phải "cắn răng chịu đựng" một cuộc hôn nhân lành ít dữ nhiều. Đừng vì thiếu hiểu biết pháp luật, đừng vì quan niệm ly hôn là xấu xa mà phải chung sống với người luôn coi như kẻ thù của nhau. Đây cũng là nét mới, mang tính nhân văn và bình đẳng giới của Luật HNGĐ năm 2000 của Việt Nam.