Kỷ niệm 73 năm Ngày nhân quyền thế giới (10-12-1948/ 10-12-2021):

Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài để trở thành giá trị chung của nhân loại (3): Nhận diện và làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những năm qua, vấn đề nhân quyền đã trở thành tiêu điểm trong cuộc đấu tranh tư tưởng, khi nó bị lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phục vụ những mưu đồ đen tối.

Công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước

Trong bối cảnh tồn tại giai cấp đối kháng hiện nay, nhân quyền luôn là vấn đề dễ bị lợi dụng, chính trị hóa để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Không những thế, nó còn bị biến thành công cụ trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thiếu thiện chí, thù địch, chống đối thường áp dụng để chống phá Việt Nam.

Trước hết, các thế lực này tập trung vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Trong bối cảnh công nghệ truyền thông bùng nổ, chúng triệt để lợi dụng báo chí, truyền hình, phát thanh, Internet và các mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, đổi trắng thay đen, dựng chuyện, phao tin đồn nhảm, gieo rắc tin giả (fake news) nhằm tạo nên bức tranh màu xám về nhân quyền ở Việt Nam. Chúng biến không thành có, biến có thành không, biến hiện tượng thành bản chất, biến ngẫu nhiên thành tất nhiên, biến cá biệt thành phổ biến… để vu cáo, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực nhân quyền.

Hàng năm, cứ mỗi khi đến dịp kỷ niệm Ngày nhân quyền thế giới (10-12), các thế lực này “bổn cũ soạn lại”, trắng trợn xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam cũng như phủ nhận những nỗ lực, thành tựu của đất nước ta trong việc bảo đảm quyền con người. Điển hình như báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hàng năm của Mỹ; nghị quyết của Nghị viện châu Âu (EP); báo cáo thường niên của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW); Nhà tự do (FH); Phóng viên không biên giới (RSF); Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ); Tổ chức Ân xá quốc tế (AI)...

Chúng rêu rao rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam duy nhất do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là “toàn trị”, “mất dân chủ”; muốn có “dân chủ”, “nhân quyền” thì phải xóa bỏ chế độ “độc đảng”, “đa đảng”. Chúng đưa ra những luận điệu vu cáo như “Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, có số tù chính trị cao hơn bất cứ nước nào”, “Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền”…

Trong những vấn đề mà các thế lực thiếu thiện chí, thù địch, chống đối thường lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người, nổi lên là vấn đề tôn giáo, dân tộc, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chúng cho rằng Việt Nam không bảo vệ, không bảo đảm quyền tự do tôn giáo trong thực tế; nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về dân tộc, tôn giáo không tương đồng với các Công ước quốc tế về quyền con người. Chúng xuyên tạc, phê phán Nhà nước Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp. Chỉ trích chính quyền đàn áp, bắt giam những người mà chúng cho là “các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo độc lập, những người có ý kiến phản biện, trái ý kiến với Nhà nước”.

Chúng tìm cách khoét sâu những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót của ta trong thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng và an sinh xã hội. Từ đó, tuyên truyền, cổ xúy cho kiểu dân chủ tư sản, nhân quyền phương Tây, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản. Dưới chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “an ninh con người cao hơn an ninh quốc gia”, “nhân quyền không có biên giới quốc gia”, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, chúng tìm cách áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây vào Việt Nam.

Hiểu đúng để ngăn chặn âm mưu lợi dụng con bài nhân quyền

Dân chủ, nhân quyền đã trở thành “cái cớ”, “vỏ bọc” cho các âm mưu và hành động can thiệp, chống phá của các thế lực thiếu thiện chí, thù địch, chống đối. Mục tiêu của chúng là làm lung lay tư tưởng và niềm tin xã hội, tạo cơ hội hình thành các hội nhóm hoạt động dưới danh nghĩa nhân quyền mà thực chất là hoạt động chống phá chế độ, để khi có cơ hội sẽ trở thành cầu nối cho sự can thiệp từ bên ngoài, từng bước thay đổi hệ thống chính trị ở Việt Nam. Vì vậy, hiểu đúng về dân chủ, nhân quyền và bản chất của việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền sẽ giúp nâng cao cảnh giác, đồng thời có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Trước hết, cần phân biệt nhân quyền với tư cách là giá trị có ý nghĩa phổ quát với quá trình hiện thực hóa nhân quyền trong một chế độ xã hội cụ thể, với hệ thống luật pháp cụ thể. Dù nhân quyền có tính phổ quát với toàn nhân loại nhưng việc thực thi nhân quyền lại phụ thuộc vào hệ thống giá trị chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa mà mỗi quốc gia theo đuổi. Đó là lý do vì sao khi xác định nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị, Liên hợp quốc đưa ra một số bảo lưu quan trọng.

Trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác.

Trước những thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, chống đối, cần chủ động tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy rõ tính chất nguy hiểm của những thông tin bịa đặt, sai trái nhằm tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, về bản chất tốt đẹp của chế độ là vì con người.

Cùng với tuyên truyền về thành tựu to lớn của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và thực hiện quyền con người, cần làm rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề quyền con người để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng đất nước để mọi người nâng cao ý thức cảnh giác.

Thực tế cho thấy, mặc dù chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch đối với Việt Nam trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền đã được thông tin sâu rộng nhưng tiếc rằng vẫn còn không ít người nhận thức đơn giản, dễ dàng bị mê hoặc trước những luận điệu và thông tin sai sự thật mà chúng dựng lên. Vì thế, mỗi người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo nhận diện các thông tin sai trái, phản động; không phát tán các thông tin này mà kịp thời phản ánh với những người có trách nhiệm, đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch.