Nhân 73 năm Ngày nhân quyền thế giới (10-12-1948/10-12-2021):

Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài để trở thành giá trị chung của nhân loại (2): Thành tựu toàn diện về bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền con người của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm quyền con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều hướng đến mục tiêu cao nhất vì con người, cho con người.
Thành tựu nhân quyền của Việt Nam được thể hiện qua nỗ lực xóa đói, giảm nghèo

Thành tựu nhân quyền của Việt Nam được thể hiện qua nỗ lực xóa đói, giảm nghèo

Mục tiêu, động lực của cách mạng Việt Nam

Nhìn từ lịch sử, ngay từ đầu cách mạng Việt Nam, các nội dung liên quan nhân quyền đã được khẳng định trong chiến lược cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chỉ rõ: Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, xây dựng xã hội mới tự do, hạnh phúc, nam - nữ bình quyền, phổ cập giáo dục.

Tuy không phải là quốc gia đầu tiên đề ra các quyền cơ bản của con người nhưng Việt Nam là một trong những nước sớm tiếp cận vấn đề này. Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào (tháng 8-1945) xác định: “Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền; Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền”.

Tháng 9-1945, khi đất nước đang đứng trước vô vàn khó khăn, vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, 95% dân số không biết chữ, lại phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”… nhưng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vẫn triển khai kế hoạch “chống nạn mù chữ” trong toàn dân, coi đó là nhiệm vụ cấp bách.

Không những thế, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền con người không chỉ là các quyền thuộc về cá nhân, là giá trị nhân văn vốn có và thiêng liêng của mỗi người, mà còn là giá trị văn hóa của cộng đồng quốc gia - dân tộc. Đây là cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển lý luận về quyền con người và luật quốc tế về quyền con người khi gắn kết hai chủ thể của quyền (quyền con người với tính cách là cá nhân và với tính cách là quốc gia - dân tộc) vào trong một khái niệm quyền con người.

Cùng với thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, hai khái niệm pháp lý trên đã được phát triển lên thành quyền dân tộc cơ bản, bao gồm quyền được tồn tại (quyền sống), độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Để có cơ sở pháp lý thúc đẩy và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế ban hành. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người.

Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.

Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Đến nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quyền con người, quyền công dân đã có luật điều chỉnh và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Bộ luật cơ bản này đã dành hẳn một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Quyền con người ở Việt Nam đã thực sự trở thành quyền hiến định.

Công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách được đẩy mạnh. Chỉ tính từ khi Hiến pháp năm 2013 đến nay, hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Đây là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Trong quy trình xây dựng pháp luật, các dự thảo luật đều được công bố rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân.

Nhân quyền trở thành giá trị xã hội và là tài sản của nhân dân

Với Việt Nam, nhân quyền không phải là khái niệm trừu tượng, những câu chữ trong các văn bản, mà là tiêu chí sống, môi trường sống, được hiện thực hóa qua các giá trị vật chất - tinh thần mà tất cả người dân đều được thụ hưởng. Nhân quyền không chỉ thể hiện qua quan niệm, chủ trương, chính sách mà còn thể hiện qua hành động thiết thực để nhân quyền thật sự trở thành giá trị xã hội và là tài sản của nhân dân. Trong hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, thành tựu về bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam thể hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Trước hết là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế-xã hội. Sau 35 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô 14 tỷ USD (năm 1985), đến năm 2020 tăng lên 343 tỷ USD (tăng 24,5 lần), GDP bình quân đầu người 3.521 USD. Năm 2020, tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong danh sách 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) công bố tăng 7 bậc so với năm 2019, đưa Việt Nam vào nhóm nước có tốc độ tăng chỉ số HDI cao nhất thế giới.

Các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng, an toàn, an sinh xã hội được quan tâm thúc đẩy và thực hiện đồng bộ, đem lại kết quả tích cực. Tỷ lệ người nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), bình quân giảm 1,42% mỗi năm; cả nước có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; tuổi thọ trung bình tăng 4,8 năm; số năm đi học tăng 4,3 năm...

Thành tựu bảo đảm nhân quyền của Việt Nam còn được thể hiện trong việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Theo con số thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt ở Việt Nam.

Khoảng 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet và điện thoại di động, trong đó 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G. Năm 2020, số người dùng Facebook ở Việt Nam là gần 70 triệu người, chiếm 70,1% dân số. Trong lĩnh vực báo chí, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động, 779 cơ quan báo chí, 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình.

Đặc biệt, trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu Covid-19, cả hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc để đảm bảo quyền cơ bản nhất của người dân là quyền sống. Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng loạt chính sách an sinh xã hội đã được Chính phủ Việt Nam ban hành nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Gói an sinh xã hội lần thứ nhất đã được triển khai có quy mô 62.000 tỷ đồng và hiện nay đang thực hiện gói an sinh xã hội lần thứ hai với tổng trị giá 26.000 tỷ đồng.

Những nỗ lực vì con người của Việt Nam trong đại dịch đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của thế giới. Phát biểu trên đài BBC (Anh), nhà báo David Hutt chuyên về chính trị Đông Nam Á nhận xét: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu”. Trang The Diplomat (Mỹ) viết: “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu”. Còn trang Liberationnews.org (Mỹ) đánh giá: “Một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế”...

(Còn nữa)