Kỷ niệm 73 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10-12-1948/ 10-12-2021):

Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài để trở thành giá trị chung của nhân loại (1): Giá trị bẩm sinh, vốn có và bình đẳng cho tất cả mọi người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời tòa soạn: Quyền con người (nhân quyền) là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị chung mà tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam phấn đấu và hướng tới. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm và dễ bị lợi dụng. Chính vì thế, bảo đảm nhân quyền cũng như đấu tranh chống lại việc lợi dụng vấn đề nhân quyền để xuyên tạc, nói xấu, can thiệp vào công việc của quốc gia khác luôn là vấn đề thời sự.
Nhân quyền là giá trị chung cho tất cả các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển

Nhân quyền là giá trị chung cho tất cả các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển

Một trong các chuyển dịch tinh thần quan trọng nhất của nhân loại ngày nay là sự phát triển nhận thức về quyền và vai trò của con người trong xã hội. Ý thức về quyền con người đã trở thành một tiêu chí hàng đầu cấu thành ý thức, phẩm chất của mỗi người và cũng là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu đánh giá sự phát triển ở mỗi quốc gia.

Nền tảng của tự do, công lý và hòa bình

Những hậu quả mà Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai do chủ nghĩa phát xít gây ra đã thức tỉnh nhân loại về một nhiệm vụ chung là bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Chính vì thế, ngay sau khi Liên hợp quốc được thành lập (tháng 10-1945), công việc soạn thảo một Văn kiện về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định triển khai.

Sau 2 năm, văn kiện đã hoàn thành. Ngày 10-12-1948, bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Đến ngày 4-12-1950, Liên hợp quốc chính thức lấy ngày 10-12 hàng năm là “Ngày nhân quyền” thế giới. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều kỷ niệm ngày có nhiều ý nghĩa này.

Sự ra đời của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền là thỏa thuận pháp lý quốc tế đầu tiên về quyền con người, đồng thời là bước tiến quan trọng của cộng đồng nhân loại khi khẳng định “phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng bất di bất dịch của tất cả các thành viên trong gia đình loài người là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”.

Xác định ấy có được bởi nhân loại đều thấy rằng sự coi thường và xâm phạm các quyền con người dẫn đến những hành vi man rợ, xúc phạm tới lương tâm nhân loại, trong khi việc tạo lập một thế giới trong đó con người được hưởng tự do ngôn luận, tín ngưỡng và tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi và đói nghèo là khát vọng cao cả nhất của những người dân bình thường.

Trước hết, cần hiểu quyền con người là giá trị phổ quát và tất cả người dân các quốc gia trên thế giới đều mong muốn được bảo đảm. Đây là những giá trị bẩm sinh, vốn có của con người và được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người, không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì. Vì thế trong thời hiện đại, với mọi xã hội văn minh, nhân quyền luôn là giá trị biểu thị cho quyền tối thượng của con người khi sống trong xã hội. Là giá trị chung nên tất cả các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển giá trị xã hội cao quý đó.

Với Việt Nam, quan điểm “quyền con người là giá trị chung của nhân loại” được thể hiện trong Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rằng: “Nhân quyền là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại”.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị thế giới về Nhân quyền lần thứ II tổ chức tại Thủ đô Vienna (Áo), tháng 6-1993, phái đoàn Việt Nam cũng khẳng định: “Nhân quyền là một phạm trù tổng hợp, vừa là “chuẩn mực tuyệt đối” mang tính phổ biến, vừa là “sản phẩm tổng hợp của một quá trình lịch sử lâu dài”.

Phát minh làm thay đổi thế giới

Nhưng quyền tự nhiên, vốn có và khách quan này của con người muốn đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn thì phải bằng nỗ lực của cộng đồng quốc tế và của các quốc gia trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền này trong pháp luật của từng nước, cũng như trong các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Đây là kết quả của quá trình phấn đấu và đấu tranh không mệt mỏi của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Từ Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, cho đến nay, Bộ luật quốc tế về nhân quyền này đã phát triển thành 24 Công ước quốc tế về nhân quyền, trong đó quan trọng nhất là 2 Công ước 1966 về các quyền dân sự, chính trị và về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong các quyền dân sự, chính trị, đáng chú ý nhất là quyền sống, tự do và an toàn cá nhân. Theo đó, mọi người có quyền sống và quyền này phải được pháp luật bảo vệ, không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện.

Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng với những tội ác nghiêm trọng nhất. Hình phạt tử hình cũng không được áp dụng với người dưới 18 tuổi và phụ nữ đang mang thai.

Cũng trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc, lần đầu tiên quyền tự quyết của các dân tộc, kể cả quyền của họ được tự do sử dụng của cải và nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình, được bảo đảm. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh vì quyền tự quyết của các dân tộc, kể cả quyền lựa chọn con đường phát triển cho chính họ.

Liên quan đến các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, Công ước của Liên hợp quốc khẳng định quyền làm việc và quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp.

Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho những công việc như nhau mà không có sự phân biệt đối xử nào. Mọi người lao động đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng hợp lý nhằm bảo đảm sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm và được trợ cấp khi cần thiết bằng các biện pháp bảo trợ xã hội. Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Như vậy, nhìn ở góc độ nào và ở cấp độ nào thì quyền con người cũng được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân loại, chỉ áp dụng với con người, cho tất cả mọi người. Nhờ có những chuẩn mực này, mọi thành viên trong gia đình nhân loại được bảo vệ nhân phẩm và mới có điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người.

Cho dù cũng có những cách nhìn nhận với các khác biệt nhất định, một điều rõ ràng là quyền con người là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong mọi giai đoạn lịch sử. Ngày nay, những nguyên tắc và quy định của Luật Nhân quyền quốc tế được coi là mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia.

Ở hầu hết các nước, nội dung các Công ước nhân quyền đã được nội luật hóa và từng bước tổ chức thực hiện bảo đảm quyền con người trên thực tế. Trong một cuộc khảo sát gần đây do Hãng truyền thông CNN tiến hành, quyền con người được xem là 1 trong 10 phát minh làm thay đổi thế giới.

(Còn tiếp)