Quy trình… đứt đoạn

ANTĐ - Đặc xá, giảm án cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù ở các trại giam, trại tạm giam trên toàn quốc là chính sách nhân đạo, khuyến khích những người từng mắc lỗi lầm biết ăn năn, sửa chữa khuyết điểm, sớm có cơ hội trở về cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Đây cũng là niềm vui với nhiều gia đình có thân nhân đang phải thi hành án. Nhưng đồng thời đây cũng là niềm trăn trở với lực lượng chức năng, với công tác hậu đặc xá, công tác quản lý những công dân được hưởng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước sau khi họ trở về cộng đồng. Nhiều năm nay, chúng ta đã xây dựng được một quy trình “chuẩn” trong công tác hậu đặc xá. Đó là tiếp nhận người được đặc xá, giảm án, tha tù, ưu tiên tạo điều kiện để họ khôi phục quyền công dân; tiếp xúc, gần gũi để những người từng “dính chàm” bớt mặc cảm, sớm hòa nhập; rồi chính quyền cơ sở liên hệ, bố trí cho họ việc làm để sống có ích cho gia đình, xã hội.

Song, quy trình này lâu nay được thực hiện chưa chuẩn. Ở nhiều nơi, sau khi người được đặc xá, giảm án, tha tù trở về cộng đồng, được cơ quan công an tiến hành cấp lại chứng minh nhân dân, nhập lại hộ khẩu, chỉ còn lại những khoảng trống, những sự đứt đoạn. Động viên, tiếp xúc, trò chuyện, tìm kiếm việc làm cho người được đặc xá… những công việc ấy được xác định đối với các đoàn thể, chính quyền cơ sở, nhưng không ít nơi đã… bỏ bẵng. Ngại tiếp xúc với “người đi tù về” là một hiện tượng tâm lý có thật! Nói gì đến việc tìm việc làm, giúp họ xóa bỏ mặc cảm.

Tái phạm sau ngày trở về cộng đồng, nguy cơ ấy rất thực với không ít người được đặc xá, giảm án, tha tù. Ngoại trừ số người mà “tính xấu” đã ăn vào máu, chắc chắn không ít trường hợp tái phạm bởi chính sự xa lánh và kỳ thị của cộng đồng. Chưa kể những trường hợp không tìm được công ăn việc làm. Họ sẽ tìm đến những người bạn cũ trong chốn lao tù. Đồng cảnh- đồng tâm trạng, hoạt động phạm tội khó tránh khỏi sự phát sinh!

Quy trình “chuẩn” đã đề ra nhưng việc thực hiện lại chưa chuẩn, suy cho cùng, nhiều người đang cho rằng trách nhiệm quản lý người hậu đặc xá thuộc về lực lượng công an. Vấn đề ở đây là, quy trình đề ra nhưng chế tài cho những cấp, những công đoạn không thực hiện nghiêm quy trình lại chưa có. Quản lý người hậu đặc xá muốn hiệu quả, nhất định phải xây dựng được tiêu chí đánh giá đối với từng địa bàn, từng cán bộ. Trong đó, tính trách nhiệm phải được đề cao.