Quy định xử lý về việc lập hội, nhóm trên mạng xã hội để lôi kéo hành vi vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Thời gian qua, trên mạng xã hội hình thành các hội, nhóm như “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”; “Hội đánh lô, đề kiếm sống”; “Hội đánh ghen thuê”… Trong đó, các thành viên hướng dẫn, xúi giục nhau thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự. Vậy theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân thành lập, tham gia các hội, nhóm trên sẽ bị xử lý ra sao? Bùi Minh Liên (Quảng Ninh)
Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư trả lời: Mới đây, 2 đối tượng trong vụ cướp ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã bị CAQ Bắc Từ Liêm và các đơn vị nghiệp vụ phối hợp bắt giữ. Theo thông tin ban đầu, khoảng giữa tháng 2-2022, 2 đối tượng này quen biết nhau thông qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội Facebook.

Điều đáng nói là trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... hiện tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hội, nhóm với các chủ đề, tiêu chí khác nhau, có nhóm bí mật, có nhóm kín và cả những nhóm để chế độ công khai.

Ngoài những nhóm chia sẻ các nội dung tích cực như thiết kế nhà đẹp, nấu ăn ngon, nuôi dạy con tốt… không ít nhóm được lập ra để kêu gọi, thậm chí xúi giục các thành viên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”; “Hội đánh bạc

online”; Hội đáng ghen thời @”, thậm chí còn cả “Hội trộm chó”. Trong các hội này, các thành viên đăng những thông tin có nội dung công khai: “Mình tính đi ăn trộm, muốn tìm đồng đội để có bị đuổi chạy cùng cho vui, ai hợp tác nhắn cho mình”, dưới đó là hàng loạt ý kiến hưởng ứng, cổ vũ và đăng ký tham gia.

Hiện nay, việc thành lập các nhóm, hội trên mạng xã hội đang trở nên rất dễ dàng, chỉ cần 1 tài khoản Facebook có thể thành lập diễn đàn mời bạn bè tham gia. Mặc dù pháp luật hiện hành không nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thành lập các hội, nhóm trên mạng song những hội nhóm này vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Luật Viễn thông; Luật Công nghệ thông tin; Luật An ninh mạng; Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và một số văn bản pháp lý liên quan.

Khoản 22, Điều 3, Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định: “Mạng xã hội (Social Network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (Forum), trò chuyện (Chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng dịch vụ Internet cũng như các trang mạng xã hội gồm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

Chống lại Nhà nước Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Giả mạo người khác và phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để lôi kéo, cổ vũ, kích động, xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để lôi kéo, cổ vũ, kích động, xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Mỗi diễn đàn, mỗi hội, nhóm trên mạng xã hội do một người/nhóm người hoặc một tổ chức thành lập, quản lý. Những người này sẽ kiểm soát “comment” (bình luận). Tuy nhiên, họ chỉ phải chịu trách nhiệm nếu nội dung, hoạt động mà họ đưa ra vi phạm điều cấm của pháp luật, hoặc có nội dung kích động. Còn những bình luận của các tổ chức, cá nhân khác tại các diễn đàn này sẽ do các tổ chức cá nhân đó tự chịu trách nhiệm.

Về quyền và nghĩa vụ của chủ sử dụng mạng xã hội, Điều 26, Khoản 4, Nghị định 72/2018 nêu rõ: “Người dùng mạng xã hội chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”. Như vậy, mỗi một chủ sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm với phát ngôn, hành vi của mình trên mạng xã hội.

Về chế tài xử lý, Điều 101 - Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông cũng quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với việc lợi dụng mạng xã hội thực hiện một trong các hành vi:

Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tổ chức cá nhân vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi lợi dụng không gian mạng vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật, chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các thông tin độc hại, góp phần xây dựng và bảo đảm một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn. ANTĐ