Thủ tục pháp lý khi bị người khác xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi mua mảnh đất hơn 50m2, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giữa năm 2021, tôi làm thủ tục và đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên sau khi công trình khởi công, có người đến tự xưng là chủ mảnh đất trên. UBND phường đã ra thông báo tạm dừng thi công để chờ giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại. Sau 45 ngày, cá nhân nói trên không xuất trình được giấy tờ pháp lý thể hiện quyền sử dụng đất. UBND phường đã họp các bên liên quan, thông báo rõ khiếu nại của họ là không có căn cứ. Nhưng khu đất của gia đình tôi vẫn bị họ tự ý quây tôn, ngăn cản việc thi công. Hiện tại, gia đình tôi đang sẵn sàng việc tái khởi động thi công xây nhà. Xin hỏi, chúng tôi sẽ phải làm những thủ tục gì để đúng quy định pháp luật? Việc tháo dỡ các tấm tôn quây quanh khu đất thuộc trách nhiệm của ai? Chúng tôi có phải thông báo với UBND phường về việc xây dựng lại? Nếu những người không có quyền và lợi ích hợp pháp vẫn cố tình cản trở, chúng tôi phải làm gì? Chị Nguyễn Thị Dung (Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Điều 166, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, người sử dụng đất có quyền: Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai…

Theo quy định trên, khi người khác có hành vi quây tôn, ngăn cản việc xây dựng trên phần đất bạn đang sử dụng hợp pháp, bạn có quyền khởi kiện, yêu cầu phía bên kia chấm dứt hành vi này. Bạn cũng có thể gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có bất động sản để giải quyết.

Về thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai, khoản 3, 4, Điều 202, Luật Đất Đai quy định, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Như vậy, trước hết các bên cần tiến hành hòa giải theo quy định. Đối với trường hợp hòa giải không thành, thì được giải quyết như sau:

Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai, đó là: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

Nếu tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Đối với sự việc của gia đình bạn, bạn đã được cấp “sổ đỏ” và Giấy phép xây dựng công trình nghĩa là bạn có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất đó và tiếp tục xây dựng theo giấy phép. Khi xảy ra tranh chấp UBND phường đã họp các bên liên quan, thông báo rõ khiếu nại của bên có hành vi quây tôn trên đất của bạn là không có căn cứ.

Người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình (Ảnh minh họa)

Người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình (Ảnh minh họa)

Để thi công tiếp, bạn cần phải tháo dỡ các tấm tôn quây quanh khu đất của mình. Trước khi tháo dỡ, bạn cần có văn bản thông báo gửi đến UBND phường và người đã quây tôn để đề nghị những người này tự nguyện tháo dỡ (ghi cụ thể thời hạn phải tự tháo dỡ để trả lại mặt bằng tiếp tục thi công). Hết thời hạn đó nếu bên kia không thực hiện thì gia đình bạn có thể thực hiện tháo dỡ, song cần có sự chứng kiến của những người làm chứng và đại diện của Thừa phát lại để ghi nhận sự kiện này. Nếu cá nhân khác có hành vi gây cản trở việc xây dựng song chưa có hậu quả xảy ra như hủy hoại tài sản hoặc có hành vi gây thương tích cho người khác thì bạn có thể làm đơn yêu cầu sự giúp đỡ của UBND phường và Công an phường sở tại. Nếu có hậu quả xảy ra (tài sản bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại do có hành vi phá phách, hủy hoại hoặc có cá nhân bị thương tích do có hành vi cố ý gây thương tích)... thì gia đình bạn có thể tố giác hành vi này tới công an cơ quan có thẩm quyền để kịp thời truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân liên quan.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.