Quy định mới nhất về đối tượng cấp, giá trị của Thẻ căn cước và Giấy chứng nhận căn cước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ 1-7 tới sẽ bắt đầu cấp Thẻ căn cước và Giấy chứng nhận căn cước. Vậy 2 loại giấy tờ này cấp cho các nhóm đối tượng nào, có điểm gì khác biệt, giá trị của chúng ra sao?

Theo Luật Căn cước 2023, Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

Trong đó căn cước gồm các thông tin cơ bản của một người về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học. Thông tin được tích hợp vào thẻ Căn cước gồm Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…

Mẫu mặt trước Thẻ căn cước

Mẫu mặt trước Thẻ căn cước

Như vậy, Thẻ căn cước được cấp cho công dân Việt Nam. Thẻ này có giá trị chứng minh về căn cước, thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Sử dụng thay giấy tờ xuất nhập cảnh khi Việt Nam và nước ngoài ký điều ước/ thỏa thuận quốc té cho phép dùng thẻ Căn cước thay giấy tờ xuất nhập khẩu; Được sử dụng để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ Căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Nội dung ghi trên Thẻ căn cước gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Dòng chữ "CĂN CƯỚC"; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; Nơi cấp: Bộ Công an; Thông tin được mã hóa, lưu trong mã QR của thẻ…

Còn về Giấy chứng nhận căn cước, Điều 3 Luật Căn cước 2023 quy định, Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định..

Theo đó, loại giấy tờ này không phải giấy tờ được cấp cho toàn thể cá nhân là công dân Việt Nam mà cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đó là những người đang sinh sống tại Việt Nam nhưng không có giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đang mang quốc tịch của Việt Nam hoặc của nước khác nhưng có cùng dòng máu trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam theo nguyên tắc huyết thống.

Mẫu Giấy chứng nhận căn cước

Mẫu Giấy chứng nhận căn cước

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện giao dịch, quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; Để kiểm tra thông tin người được cấp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Thông tin in trên Giấy chứng nhận căn cước gồm: Dòng chữ “Chứng nhận căn cước” trên thẻ; Vân tay; Nơi sinh; Nơi sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Tình trạng hôn nhân; Nơi ở hiện tại; Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ.

Như vậy, mặc dù Thẻ căn cước và Giấy chứng nhận căn cước đều được cấp từ 1-7 tới nhưng được cấp cho các đối tượng khác nhau và trình tự, thủ tục cấp cũng khác nhau.